Thủ đô Jakarta của Indonesia chìm trong khói mù ô nhiễm. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Vấn đề này đặc biệt rõ rệt vào mùa khô trong nửa đầu năm đối với tiểu vùng sông Mê Kông, và nửa cuối năm đối với khu vực phía nam của ASEAN, đáng chú ý nhất là từ tháng 7 đến tháng 9.

Khu vực ASEAN có hơn một nửa diện tích đất than bùn của thế giới, một hệ sinh thái có giá trị quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu và lưu trữ carbon. Tuy nhiên, đất than bùn dễ bị cháy. Những đám cháy này tạo ra khói độc hại bao phủ các khu vực rộng lớn trong khu vực, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe và thải ra hàng tấn khí nhà kính.

Trong năm 2019, khu vực này đã trải qua điều kiện khô hạn hơn bình thường và kéo dài, dẫn đến sự gia tăng đáng kể các điểm nóng, suy giảm chất lượng không khí và khói mù lan rộng trên nhiều khu vực của ASEAN. Theo đó, các Bộ trưởng ASEAN phụ trách vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới bày tỏ lo ngại về mức độ nghiêm trọng và sự lây lan địa lý của khói mù ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực.

Năm nay, thông qua dự báo theo mùa, Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN (ASMC) tuyên bố, vào mùa khô trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, một số khu vực, đặc biệt là các khu vực dễ bị cháy, thỉnh thoảng có thể phải đối mặt với mức nhiệt độ cao hơn nhiệt độ bình thường. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ cháy đất và/hoặc cháy rừng cao hơn, và sau đó dẫn đến ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

Trong một động thái liên quan, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đã lên tiếng kêu gọi người dân chuẩn bị cho mùa khô, ước tính sẽ đạt đỉnh vào tháng 8. Mặc dù được dự kiến ​​sẽ ít nghiêm trọng hơn năm ngoái, nhưng thời tiết khô hạn kéo dài sẽ làm gia tăng các điểm nóng trên mặt đất, điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện của cháy đất hoặc cháy rừng.

Với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay, điều quan trọng đối với ASEAN là đẩy mạnh công tác chuẩn bị và ở vị trí tốt hơn để xử lý nguy cơ tiềm ẩn của hỏa hoạn và khói mù xuyên biên giới. Điều này sẽ cần thiết để giảm bớt gánh nặng gấp đôi có thể có đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe tại ASEAN trong việc quản lý đại dịch COVID-19 và cả những vấn đề sức khỏe do khói mù gây ra.

Ô nhiễm khói mù ở ASEAN gây ra tổn thất lớn về người, với ước tính 36.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí gây ra tình trạng khó thở, làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và làm tăng các triệu chứng hô hấp ở trẻ em và người cao tuổi.

Điều này có thể đặc biệt khó khăn khi đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng trong khu vực và khả năng bắt đầu một cuộc suy thoái kinh tế trong năm 2020.

Thông qua các cơ chế hợp tác khu vực được thiết lập theo Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm Khói mù Xuyên biên giới (AATHP), ASEAN từ lâu đã cam kết giải quyết khói mù xuyên biên giới ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Các giải pháp và cơ chế hiệu quả đã được thử nghiệm và kiểm tra trong những năm qua.

Dựa trên kinh nghiệm, rõ ràng cần có những nỗ lực lớn hơn đối với sự cảnh giác, chuẩn bị và điều động sớm các hành động ứng phó khẩn cấp để giảm thiểu những đám cháy trong mùa khô.

Tuy nhiên, hỏa hoạn theo mùa và khói mù xuyên biên giới vẫn là một vấn đề trong khu vực, và cộng đồng ASEAN cần được chuẩn bị. ASEAN cần ưu tiên thành lập khẩn cấp Trung tâm Điều phối ASEAN về Ô nhiễm Khói mù Xuyên biên giới (ACC THPC), điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và liên lạc giữa các quốc gia thành viên ASEAN về phòng tránh và ứng phó khẩn cấp với cháy rừng và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường các chính sách và thực hành ở cấp chính quyền quốc gia và địa phương, nhằm giải quyết những nguyên nhân và tác động của ô nhiễm khói mù. Điều quan trọng cần lưu ý là trong khi hợp tác liên Chính phủ đóng vai trò quan trọng, Chính phủ sẽ không thể giải quyết thách thức này một mình.

Bài học từ những lĩnh vực khác trong ASEAN và các khu vực khác cho thấy, điều quan trọng không kém là sự tham gia của khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc tối đa hóa những lợi ích lâu dài của đất than bùn và rừng thông qua các mô hình kinh doanh của họ, sử dụng những sáng tạo đổi mới và công nghệ tiên tiến.

Ngoài ra, cũng cần có sự tham gia của các cộng đồng địa phương và phương tiện truyền thông để giáo dục mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự cần thiết để bảo vệ và quản lý bền vững tài nguyên rừng và đất than bùn có giá trị của ASEAN, ông Kung Phoak nhấn mạnh.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Jakarta Post)