Sẽ tạo điều kiện cho thí sinh tự do thi THPT (ảnh minh họa)
Ngô Văn Anh, thí sinh tự do, năm trước thiếu 1 điểm để đỗ vào Trường đại học Y dược Huế. “Em hụt hẫng vì chỉ thiếu chút nữa là chạm tay vào trường mình yêu thích, dù trúng tuyển nhiều nguyện vọng ở trường khác nhưng em quyết định từ chối tất cả để năm nay ôn thi lại quyết tâm học để trở thành bác sĩ. Khi nhận được thông tin Bộ GD & ĐT thay đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 em rất hoang mang, không biết năm nay sẽ thi thế nào? Em có được dự thi cùng bài thi tốt nghiệp THPT rồi lấy kết quả xét tuyển không, hay là sẽ dùng kết quả bảo lưu năm ngoái? Bài thi tổ hợp em được thi riêng hay thi chung và chỉ lấy một đầu điểm?”.
Điểm mới trong kỳ thi năm nay là thí sinh tự do sẽ đăng ký thi và xét tuyển theo cách riêng. Để được xét tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Theo quy chế, thí sinh đã tốt nghiệp THPT được đăng ký dự thi bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Với những thí sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo THPT mà chưa tốt nghiệp hoặc chưa thi tốt nghiệp, các em vẫn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để có bằng tốt nghiệp, sau đó là sử dụng kết quả thi theo mong muốn, nguyện vọng cá nhân. Còn với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT từ những năm trước thì có thể tham gia xét tuyển đại học với nhiều hình thức khác nhau (do trường ĐH tự chủ, tự xác định và công bố); trong đó, có xét kết quả học bạ THPT).
Khác với các năm trước, thí sinh tự do và giáo dục thường xuyên sẽ được xếp ngồi chung với thí sinh THPT, trước đây hai nhóm này thi riêng. Theo lý giải của ngành giáo dục, việc thi chung để đảm bảo sự bình đẳng không phân biệt đối xử đối với thí sinh thi tự do, thí sinh THPT và thí sinh giáo dục thường xuyên.
Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có 1.200 thí sinh tự do có nguyện vọng thi lại đại học năm 2020. Điểm mới là, Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa để giữ ổn định như năm ngoái. Nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một phần nhỏ lớp 11. Các câu hỏi trong đề tăng dần độ khó để đảm bảo tính phân hoá khi các trường xét tuyển vào ĐH, học viện. Các thí sinh bám sát vào đề minh họa và đề thi năm trước để ôn tập.
Trong điều kiện dịch bệnh COVID - 19 kéo dài, Sở GD & ĐT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức ghi hình và phát sóng chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 12. Với mục tiêu hình thành “kho bài giảng số” giúp trên 1.200 thí sinh tự do có thể học mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Các em được cung cấp kiến thức, kỹ năng mới theo phân phối chương trình sang tập trung dạy ôn tập, củng cố kiến thức, tăng cường luyện tập, làm bài tập.
Những thay đổi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT khi gần hết năm học lớp 12, kéo theo những xáo trộn trong việc ôn thi của học sinh cuối cấp. Lời khuyên chung cho các thí sinh trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng này là cần chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng, chủ động và tự giác trong quá trình tự học ở nhà. Trong quá trình ôn tập, tự học, học sinh cần chú ý đến rèn luyện kỹ năng đọc và phân tích đề và kỹ năng làm bài thi (như phân bố thời gian, kiểm tra đáp án, sử dụng công cụ hỗ trợ…).
Đối với các thí sinh nói chung mà đặc biệt là thí sinh tự do, kỷ luật trong học tập cũng như nghiêm túc trong quá trình luyện đề thi là một trong những yếu tố rất quan trọng. Thí sinh nên ghi chép lại những vấn đề còn vướng mắc để hỏi thầy cô, bạn bè sẽ giúp các em lấp được lỗ hổng kiến thức của mình. Cùng với đó, chú ý bổ sung các kiến thức còn thiếu, còn yếu và làm lại các dạng bài tập liên quan bằng nhiều hình thức khác nhau. Các em cần có kế hoạch hợp lý thời gian ôn từng môn học, không “học dồn, học lệch”.
Để có được tâm lý tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh nên ưu tiên sử dụng các phương pháp hệ thống kiến thức để hiểu nội dung thay vì học thuộc lòng. Mặt khác, các thí sinh cũng nên chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, nhất là đối với những thí sinh tự do, đã “lỡ ít nhất một lần đò”, các em có nhiều trải nghiệm và hiểu rõ mình cần phải làm gì để không phải vượt lại “vũ môn” thêm lần nào nữa.
Bài, ảnh: Huế Thu