Có cảm giác nhiều quá, đụng đâu cũng vi phạm. Một ngày trung bình hơn 41-42 xe vi phạm. Với mức độ vi phạm như vậy, số tiền phạt lên đến 15 tỷ đồng, tức là trung bình mỗi xe bị phạt hơn 1,8 triệu đồng.

Con số này một mặt cho thấy lực lượng kiểm soát giao thông xử lý hết sức quyết liệt. Nhưng mặt khác, có vẻ như các tài xế, các chủ xe chả “sợ” gì luật lệ!? Cứ cơi nới thùng xe để chở được nhiều hàng hóa nhất. Bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện thì… nộp phạt. Xem ra việc nộp phạt có vẻ nhẹ nhàng.

Số tiền xử phạt nhiều như vậy, số lần vi phạm lặp lại nhiều như vậy, có lẽ nhà xe, tài xế thu lãi từ vận tải không ít cho nên mới bù đắp được chăng? Hay là khi kinh doanh vận tải đất đá, cát sạn người ta đã đưa ra một mức giá vận chuyển gồm có chi phí xử phạt rồi? Điều này là rất có thể.

Con số xử phạt 15 tỷ đồng trong hơn 6 tháng đầu năm cứ tưởng lớn, song điều quan trọng hơn không nằm ở chỗ này mà ở chỗ khác – khả năng mất an toàn giao thông khi chở quá tải, quá khổ là rất cao. Nguy hiểm chẳng những cho người điều khiển phương tiện mà còn với người đi đường.

Tình trạng này phổ biến sẽ đánh ngay lên túi tiền của ngân sách, ở chỗ - hạ tầng giao thông nhanh xuống cấp là mặt khác của vấn đề. Chiếc xe này thiết kế kỹ thuật tải trọng bao nhiêu là để đảm bảo an toàn và tăng tuổi thọ cho phương tiện? Con đường, chiếc cầu này thiết kế kỹ thuật chịu tải trọng bao nhiêu là an toàn và tăng tuổi thọ cho con đường? Nhiều công trình giao thông nhanh xuống cấp là vì ảnh hưởng của những yếu tố khách quan như bất lợi về thời tiết nhưng phần lớn, có thể là vì chất lượng thi công, và “cõng” quá nhiều xe quá tải. Chúng ta không lạ gì những con đường vừa làm xong là mặt đường sụt lún, bong tróc. Cách đây vài năm, chúng ta thấy điển hình là con đường tránh Huế. Đường Nguyễn Văn Linh bây giờ cũng đã xuống cấp trầm trọng…

Nói, xe quá tải vi phạm nhiều là nó đánh ngay vào túi tiền ngân sách là vậy. Vốn ngân sách, tức là nguồn vốn đầu tư công, nhiều nhất và tốn kém nhất là đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông.

Có thông tin cho rằng, nhiều chủ mỏ, chủ phương tiện sẵn sàng “tạo điều kiện” để tài xế nộp phạt. Nếu đây là thực tế thì chủ mỏ, chủ các phương tiện đã chủ động trong việc này. Vì sao họ chủ động? Xét về mặt kinh tế là họ có thể bù đắp được chi phí và có lợi. Quả đúng như vậy thì thật là một điều tệ hại! Chuyện chở quá tải, vi phạm Luật Giao thông sẽ không bao giờ chấm dứt một khi người ta tính cả chuyện chi phí nộp phạt như là một “yếu tố đầu vào” của bài toán kinh tế.

Muốn cắt đứt điều này chỉ có một cách là xem xét lại luật, tăng mức xử phạt. Mức phạt phải làm cho chủ phương tiện không thể có lãi và thậm chí là lỗ nặng một khi đã vi phạm, bị xử phạt. Nghị định 100 của Chính phủ về kiểm soát tác hại bia rượu với mức phạt nặng ra đời, chúng ta thấy người dân “kiêng nể” ngay. Phạt xe quá khổ quá tải cũng phải theo hướng này mới mong kiểm soát được tình hình.

Tất nhiên, cứ không phải mức xử phạt cao (tức là đánh vào kinh tế) là đưa lại hiệu quả ngay mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa, như lực lượng chức năng kiểm soát có hiệu quả không, có làm quyết liệt đến nơi đến chốn không. Tài xế khi vi phạm chẳng những thiệt hại về kinh tế (tức thì) mà còn thiệt hại về công ăn việc làm (bị tịch thu bằng chẳng hạn)…

NGUYÊN LÊ