Một ngôi nhà bọc tôn chống thấm ở khu đô thị Xuân Phú (Huế)

Miền Trung nói chung, xứ Huế nói riêng là vùng đất có khí hậu khá khắc nghiệt. Mùa nắng thì nắng chao chát, nắng đến khét cả đá, nhiều đợt nắng hạn kéo dài suốt mấy tháng không một hạt mưa. Nhưng đến mùa mưa thì mưa dầm dề thúi đất. Nhất là ở Huế, vừa mưa vừa lạnh cắt da, cả tháng có khi không thấy ánh mặt trời. Và, trong những mùa mưa như thế, nản nhất là chuyện nhà cửa bị thấm, dột.

Đất chật người đông, nhu cầu sử dụng lớn nên giá đất cứ tăng vun vút. Tại khu vực đô thị, trừ giới “đại gia” ra, còn thì tậu được cho mình mảnh đất chừng 100m2 (5m x 20m), thế đã là giỏi lắm. Không có không gian, nên những mảnh đất như thế không thể thiết kế thêm mái che, khi làm nhà hầu hết các ngôi nhà đều chấp nhận phơi 2 sườn ra chịu trận với mưa nắng. Biên độ nhiệt lớn, chỉ cần qua một mùa thôi là bề mặt vách tường co giãn, rạn nứt. Gặp mưa dầm dề, không thấm, không dột mới là chuyện lạ!

Hậu quả sau thấm dột là ẩm, là mốc. Nhìn cái nhà mốc meo, đen thui, vằn vện rất nản. Bao nhiêu công sức tiền của bỏ ra, xót! Nhiều người không cam lòng, tiếp tục chi để chống thấm, sơn lại. Nhưng cũng chỉ được một vài mùa. Còn đâu lại hoàn đấy. Vậy là có nhà thuê thợ đến, mua tôn ốp bên ngoài các bức vách, ốp triệt để. Xem như mặc áo mưa cho toàn bộ ngôi nhà. Khỏi bực bội, khỏi chống thấm, khỏi sơn đi sơn lại tốn của hao sức. Rồi nhà này học nhà kia, cũng dành tiền bọc luôn cho khỏi lăn tăn khi ngày mưa tháng gió.

Không biết kéo dài được bao lâu, nhưng trước mắt thì thấm dột chắc hẳn phải “lui quân”. Phải có hiệu quả mới nhà này làm, nhà kia làm chứ. Chả ai dại trước khi làm mà không thăm dò học tập cả. Chỉ có điều, tiện cho tư gia còn mỹ quan đô thị thì xem chừng không được ổn lắm. Hãy thử tưởng tượng cả một khu phố mà nhìn vào đâu cũng thấy toàn là nhà bọc tôn cả. Cảm giác đó như là một khu công xưởng đúng hơn là phố thị. May mắn Huế thì chưa đến nỗi nào, nhưng dọc đường bắc nam đã có thể bắt gặp những khu như thế.

Bọc nhà chống thấm, đó là việc bất đắc dĩ và chẳng ai cấm (?). Tuy nhiên, ở góc độ quản lý đô thị thì có vẻ không ổn. Nhất là với các đô thị du lịch, đô thị sinh thái. Cụ thể như với Huế chẳng hạn. Rất cần một giải pháp dung hòa, nhưng với  người dân bình thường thì hẳn là rất khó. Họ đang ngóng chờ cao kiến của giới kiến trúc, xây dựng.

Bài, ảnh: Hy Khả