Hiện nay, nhiều di sản văn hóa ở Việt Nam và Nhật Bản nói chung và di sản văn hóa Huế nói riêng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực, nảy sinh từ những thay đổi trong quá trình phát triển KT-XH và những biến đổi của tự nhiên, môi trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể quần thể di tích Huế phù hợp, bám sát thực tiễn của di sản Huế cũng đang được chính quyền địa phương khẩn trương hoàn tất để góp phần bảo vệ những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và chân xác của di sản, đáp ứng yêu cầu của UNESCO.

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và kỹ sư đến từ Việt Nam, Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản kiến trúc của hai nước. Từ đó đưa ra những định hướng trong tương lai cho việc bảo tồn bền vững và phát huy những giá trị của quần thể di tích Huế.

Đã có 8 tham luận được trao đổi tại hội thảo, gồm: Bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu của quẩn thể di tích Cố đô Huế; “Bảo tồn vùng” tại phường Kim Long; Kế hoạch quản lý quần thể di tích Cố đô Huế và hoạt động tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích kiến trúc gỗ theo tinh thần Công ước quốc tế và Luật Di sản Văn hóa; Bảo tồn các khu vực bảo tồn kiến trúc truyền thống ở Nhật Bản; Kiến trúc gỗ Việt Nam – Tu sửa duy trì và trùng tu bảo tồn; Bảo tồn di sản kiến trúc gỗ ở Huế và hướng tới một kế hoạch quản lý toàn diện; Phục hồi Kiến trúc gỗ truyền thống nhìn từ trường hợp biệt thự hoàng gia Nikko Tamozawa; Bảo tồn trùng tu di tích kiến trúc gỗ ở Huế...

Tại hội thảo, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc hợp tác tổ chức hội thảo sẽ giúp các nhà quản lý, các nhà chuyên môn có cơ hội trao đổi thông tin và kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến kiến trúc gỗ truyền thống của 2 nước. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa giữa 2 nước Việt – Nhật trong tương lai về lĩnh vực bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống.

Đồng Văn