Dịch giả Đỗ Hữu Thạnh

Gói gọn trong 200 trang bằng tiếng Việt, “Vua Gia Long” được chia làm 4 chương. Chương I khái quát về một lịch sử Việt Nam thu gọn trong mối quan hệ với Trung Quốc, Champa, các thương gia, giáo sĩ phương Tây và các xung đột chính trị bên trong (Trịnh - Nguyễn, cuộc nổi dậy của Tây Sơn...).

Ở chương II và chương III, Marcel Gaultier tường thuật song song vai trò và truyện kể hai nhân vật Bá Đa Lộc và Nguyễn Vương trong sự vận động của cuộc chiến với Tây Sơn và chính trường Pháp. Chương IV là việc lên ngôi của vua Gia Long, âm hưởng cuối của cuộc chiến và việc cai trị, tổ chức bộ máy hành chính, quản lý đất nước, các luật lệ của triều đình cho đến khi ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ, tức Luật Gia Long được áp dụng từ năm 1818.

Trong tác phẩm nghiên cứu đầu tay “Gia-Long” được xuất bản lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1933 với đề tựa của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier, Marcel Gaultier mong muốn trình bày toàn cảnh lịch sử Việt Nam từ thời lập quốc mãi cho đến năm 1802 – thời điểm Việt Nam được thống nhất sau bao nhiêu năm chia rẽ, chiến tranh, sau đó là giai đoạn xây dựng và hàn gắn đất nước trong truyền thống Á châu.

Cuốn sách không chỉ vẽ nên chân dung vị vua đầu triều Nguyễn, mà còn cho độc giả những thông tin về các sự kiện lịch sử trong nước và nước ngoài vào thế kỷ 17, 18 hoặc 19. Với nhãn quan của một người Pháp, cuốn sách cũng đem đến cho người đọc những góc nhìn thú vị, chi tiết chân thực, lấy từ các tài liệu của những nhân vật người Pháp đương thời để lại.

Cuốn sách "Vua Gia Long"

Marcel Gaultier viết: “Vào năm 1802, sau khi giành lại Huế, mở ra triều đại Gia Long, vị vua họ Nguyễn này mới có thể đo đếm đoạn đường đã qua. Hai mươi lăm năm thử thách đã trui rèn nên tâm hồn quả cảm. Tuổi trẻ sớm chín muồi trong bất hạnh, đã nếm qua mọi gian truân, đã từng biết mọi thứ ruồng rẫy. Giờ đây dòng họ, đã được khôi phục trên ngai vàng, được củng cố trong toàn bộ quyền hạn lịch sử, và rồi chỉ sau một trận chiến chóng vánh ở Bắc kỳ, cả ba kỳ cùng nói tiếng An Nam được thống nhất dưới cùng một pháp chế. Nhưng còn cần phải xây dựng lại. Là chiến binh, Gia Long đã từng biết chiến thắng; là hoàng đế, ông còn biết xây dựng…”.

Theo PGS. TS. Bửu Nam, đây là công trình biên khảo về vua Gia Long và lịch sử Việt triều Nguyễn có những thành tựu đáng kể trong thời điểm bấy giờ, bên cạnh đó cũng có những hạn chế nhất định do quan điểm, lối viết sử thuộc địa. Trong chừng mực tương đối, công trình biên khảo này khá hữu ích trong cái nhìn về một chiều kích về vua Gia Long và triều Nguyễn, mà hiện nay đang cần được nhìn lại, xem xét lại trong cái nhìn đa chiều, mang tính đối thoại giữa các lối viết sử khác nhau có nhãn quan và quan điểm khác nhau.

“Gaultier viết về nhân vật lịch sử Việt, dưới nhãn quan người Pháp với cái nhìn kẻ khác, cái nhìn bên ngoài so với cái nhìn bên trong của sử Việt do người Việt trong nước viết. Lối biên khảo sử của ông chịu ảnh hưởng từ lối biên khảo sử của Pháp, một mặt chú ý tính khách quan, xác thực, với sự tôn trọng các sự kiện, nhân vật lịch sử và các nguồn dẫn liệu khá xác đáng. Mặt khác, bên cạnh tính độc đáo là góc nhìn khá chủ quan của tác giả trong chọn lựa sử liệu…”, PGS. TS. Bửu Nam nhận định.

Marcel Gaultier (1900-1960) là nhà văn đồng thời là biên tập viên cho Ban Dân sự của Đông Dương. Với niềm say mê tìm hiểu về đề tài bản xứ, ông đã trở thành một nhà biên khảo sử thuộc địa, kiêm nhà văn có những tiểu thuyết và truyện chuyên về bối cảnh Việt Nam và Đông Dương. Sau nhiều năm bị lãng quên trong lớp bụi thời gian, cuốn sách “Gia-Long” tình cờ đến với thầy giáo dạy Pháp văn Đỗ Hữu Thạnh. Ông đọc và cảm thấy hứng thú về một nhân vật lịch sử nổi tiếng mở đầu cho triều Nguyễn, nên bỏ công chú tâm dịch để ra mắt bạn đọc vào dịp 200 năm ngày mất của vua Gia Long.

Dịch giả Đỗ Hữu Thạnh cho hay: “Dựa trên hai nguồn tư liệu là Quốc Sử quán và Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, tác giả thể hiện nhiều chi tiết về cuộc đời của Nguyễn Ánh. Đây là cuốn sách do tác giả nước ngoài viết trong giai đoạn người Pháp cai trị Việt Nam nên có thể có một số độ chênh nhất định về sự kiện và nhân vật lịch sử. Cuốn sách viết về một nhân vật lịch sử đặc biệt nên tôi rất cẩn trọng, tỉ mỉ trong quá trình chuyển ngữ”.

Ngoài Vua Gia Long, Gaultier còn viết cuốn Vua Minh Mạng (1936), hai công trình biên khảo về vua Hàm Nghi mang tên “Hoàng đế bị lưu đày” và “Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Hàm Nghi, hoàng đế An Nam”, xuất bản vào các năm 1940 và 1959. Hiện nay, dịch giả Đỗ Hữu Thạnh đang tiếp tục hoàn thiện bản dịch cuốn sách về “Vua Minh Mạng”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN