Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhi

Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử được cấy vào trong ốc tai để thay thế các tế bào thần kinh thính giác bị hư, tạo ra các xung động thần kinh truyền lên não, giúp cho bệnh nhân nghe được. Thiết bị được Bệnh viện Trung ương Huế sử dụng để cấy cho bệnh nhi lần này là ốc tai điện tử Neuro Zti. Đây là bộ ốc tai điện tử công nghệ mới nhất với nhiều ưu điểm và tính năng vượt trội, có độ an toàn cao, có diện tích nhỏ nhất và mỏng nhất trên thị trường.

Ốc tai điện tử và máy trợ thính đều là các thiết bị được sử dụng để cải thiện và tăng cường khả năng nghe cho người bị suy giảm thính lực. Nhưng giữa chúng có những điểm khác biệt. Máy trợ thính có thể hỗ trợ người bị mất thính lực từ nhẹ đến nặng, hiểu lời nói và giảm mức độ mệt mỏi khi giao tiếp. Tuy nhiên, máy trợ thính hoạt động dựa vào chức năng của tế bào lông còn sót lại trong ốc tai, mà không thể khôi phục lại tế bào thính giác bị hư hỏng hay đã mất. Trong khi đó, ốc tai điện tử hoạt động thay thế chức năng của tế bào lông bị hư hỏng trong ốc tai và cho hiệu quả tốt hơn máy trợ thính nếu chức năng thần kinh thính giác còn duy trì.

Theo BS CKII. Trần Phương Nam, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, ốc tai điện tử rất ý nghĩa đối với những trường hợp điếc trước ngôn ngữ - điếc trước khi biết nói. Việc cấy ốc tai điện tử giúp trẻ cảm nhận được âm thanh, kết hợp cùng với âm ngữ trị liệu sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp bình thường, hoà nhập cuộc sống. Giải pháp này cũng là lựa chọn hiệu quả cho những trường hợp điếc bẩm sinh cả hai tai, hoặc không có hiệu quả với máy trợ thính.

Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ trẻ em điếc bẩm sinh dao động từ 4/1.000 – 6/1.000. Hầu hết những trẻ bị khiếm thính bẩm sinh với điếc sâu hai tai, máy trợ thính mang lại lợi ích rất hạn chế. Mỗi ốc tai điển tử dao động trong khoảng 300-500 triệu đồng, tuỳ loại. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử hiện nay gần như là giải pháp duy nhất có hiệu quả với những trường hợp điếc bẩm sinh ở trẻ em, đem lại cho các bé cơ hội nghe và phát triển ngôn ngữ, hòa nhập với cộng đồng. Phẫu thuật này có nhiều điểm lợi, rất an toàn và phù hợp với trẻ em, như: thực hiện nhanh, thời gian gây mê ngắn hơn, thời gian hồi phục sau cấy nhanh hơn, giảm xâm lấn và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

“Mọi sinh hoạt cá nhân của một bệnh nhân sau cấy ốc tai điện tử hoàn toàn bình thường và gần như không có lưu ý đặc biệt. Tuy nhiên, bệnh nhân tránh va đập bên tai phẫu thuật, nên khai báo hoặc tránh những khu vực có từ trường mạnh, hoặc có máy dò kim loại như phòng chụp MRI, cửa kiểm tra sân bay… Đặc biệt, luôn giữ mối liên hệ hoặc kiểm tra máy định kỳ với hãng cung cấp thiết bị ốc tai điện tử”, BS CKII. Trần Phương Nam khuyến cáo.

Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đang ngày càng được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Hiện nay, số lượng bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấy ốc tai điện tử trong cả nước, cũng như tại Thừa Thiên Huế rất lớn. Bệnh viện Trung ương Huế đã bước đầu triển khai sàng lọc suy giảm thính lực ở trẻ sơ sinh, giúp phát hiện sớm các trường hợp nghe kém ở trẻ em để có thể can thiệp sớm, kịp thời.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN