Nhu cầu về đất san lấp của Dự án mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài rất lớn và cấp bách

Nhiều dự án lớn về xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, tuyến giao thông liên vùng, công trình công cộng... trên địa bàn đang triển khai khiến khối lượng đất san lấp (ĐSL) tăng đột biến.

Nhiều dự án không thể chờ đợi 

Theo dự báo, thời gian đến, tổng nhu cầu các công trình dự kiến cần khoảng 10 triệu m3 ĐSL. Riêng dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần khoảng 4 triệu m3 giai đoạn 2020 - 2021; dự án mở rộng nhà ga T2 sân bay Phú Bài khoảng 1 triệu m3 năm 2020.

Theo Quyết định 1918 do UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh, có 35 khu vực với diện tích 723,5 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 51,5 triệu m3 và Quyết định 3144 ngày 5/12/2019, gồm 3 vị trí với diện tích 60ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 4,5 triệu m3. Tổng cộng trữ lượng ĐSL toàn tỉnh dự báo 56 triệu m3.

Nhiều giải pháp được đưa ra để kịp đáp ứng đủ nguồn đất san lấp phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn

Hiện nay, đang có 14 giấy phép khai thác đất làm VLSL với diện tích 83,37ha, tổng trữ lượng khai thác là 6,6 triệu m3, công suất khai thác là 710.000m3/năm và 10 giấy phép khai thác đất làm VLSL được khai thác từ đất tầng phủ mỏ đá, khoáng sản phát sinh dôi dư từ dự án thi công công trình với tổng khối lượng là 349.374m3. Như vậy, khả năng cung cấp đất làm VLSL hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 1 triệu m3/năm. 

Theo tính toán nhu cầu dài hạn, trữ lượng khai thác đất làm vật liệu san lấp đảm bảo đủ cung. Tuy nhiên, theo phản ánh của các đơn vị thi công các gói công trình thuộc các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, của quốc gia, công suất các mỏ đất hiện trạng đã được cấp phép khai thác có khối lượng nhất định, trong khi nhu cầu ĐSL khá lớn và cấp bách. Trong đó, bức bách nhất là 2 dự án lớn: Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và mở rộng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. 

Theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu theo quy trình quy định pháp luật về khoáng sản, để đáp ứng kịp thời ĐSL sẽ rất khó. Như trường hợp muốn lựa chọn hoặc đấu giá để cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, hoàn chỉnh các thủ tục về môi trường, đất đai... để cấp phép khai thác theo đúng quy định pháp luật cần nhiều thời gian. Trong khi, nhiều dự án không thể chờ đợi và sẽ làm chậm tiến độ thời gian thi công. 

Phương án gỡ nút thắt

Qua xem xét, ngoài hiện trạng một số mỏ khai thác ĐSL đã được cấp phép, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm VLSL nhằm phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và nâng cấp nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài. Đây là những dự án quan trọng của quốc gia, có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Cũng liên quan đến dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Cam Lộ - La Sơn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành hạng mục nền đường trong năm 2020. Để tăng tốc, sau khi xin ý kiến của Bộ TN&MT, UBND tỉnh đã thống nhất phương thức nâng công suất khai thác đất làm vật liệu san lấp các mỏ đã được cấp phép khai thác, kịp thời cung cấp, phục vụ các dự án đảm bảo tiến độ.

Để tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công các gói xây lắp công trình trọng điểm có nguồn nguyên liệu ĐSL phục vụ thi công đảm bảo tiến độ dự án, tỉnh đã đề xuất Bộ TN&MT hướng dẫn giải quyết một số thủ tục trước nhu cầu cấp bách. Trong đó, đề xuất hướng dẫn thủ tục vừa cấp phép thăm dò, vừa khai thác đối với các khu vực khai thác ĐSL cung cấp cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

UBND tỉnh cũng đề xuất Bộ TN&MT xem xét hướng dẫn giải quyết thủ tục sử dụng đất dư thừa phát sinh không thể sử dụng trở lại cung cấp cho đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhằm phục vụ san lấp các công trình trọng điểm có vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh. Cụ thể như dùng để cung cấp cho dự án san lấp mặt bằng phục vụ di dời khu dân cư Thượng Thành giai đoạn 1, dự án Green City...

Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, nên chắc chắn thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án lớn, trọng điểm triển khai.

Trao đổi về khả năng nguồn cung ĐSL cho những dự án mới, ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên - Sở Tài nguyên & Môi trường cho rằng, theo  các quyết định tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, trữ lượng ĐSL có khả năng chủ động cung cấp. Hiện nay, tỉnh đang tổ chức lựa chọn cấp phép tại các vị trí đã được phê duyệt; đồng thời đang tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 10 vị trí trên địa bàn tỉnh. Với trữ lượng các khu vực lựa chọn và khu vực đấu giá, nguồn đất làm VLSL sẽ đi vào ổn định.

Trường hợp các dự án phát sinh mới có nhu cầu sử dụng đất làm VLSL thì chủ đầu tư dự án phải cung cấp thông tin trong giai đoạn nghiên cứu, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án về nhu cầu ĐSL gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT để có cơ sở phân bổ hoặc quy hoạch bổ sung.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG