Trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng được chăm sóc tại một bệnh viện ở Yemen. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN

Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ước tính đã có khoảng 47 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc nghiêm trọng, hầu hết sống ở khu vực châu Phi hạ Sahara và khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, khi các biện pháp phong toả và các tuyến thương mại quốc tế làm gián đoạn các nguồn cung cấp viện trợ quan trọng, LHQ cảnh báo, đại dịch có thể gây ra "tác động liên thế hệ" đối với sức khỏe của hàng triệu người.

Trong một bài viết trên Tạp chí Y khoa The Lancet, một nhóm các chuyên gia đã chỉ ra các kết quả ước tính về nguồn cung cấp thực phẩm ở 118 quốc gia nghèo và thu nhập trung bình. Họ phát hiện rằng, tỷ lệ còi cọc ở trẻ em dưới 5 tuổi sẽ tăng 14,3%, tương đương với mức tăng thêm 6,7 triệu trường hợp.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý: "Tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 đối với dinh dưỡng đầu đời có thể gây ra hậu quả liên thế hệ đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, và tác động suốt đời đối với giáo dục, rủi ro mắc các bệnh mãn tính…". Trong kịch bản xấu nhất, khi đại dịch có thể khiến trẻ nhỏ bỏ lỡ 50% dịch vụ chăm sóc và điều trị dinh dưỡng, gần 180.000 trẻ có thể tử vong chỉ trong năm nay.

Được biết, tình trạng còi cọc xảy ra khi cơ thể bị suy dinh dưỡng rất nghiêm trọng đến mức cơ bắp và chất béo bắt đầu suy giảm. Còi cọc chịu trách nhiệm cho 1 trong 10 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, đại dịch sẽ khiến thêm 140 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực, tức là có mức sống dưới 1,9 USD mỗi ngày.

Trong một động thái liên quan, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo, ở các quốc gia vốn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo, có tới 100% các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu có thể bị gián đoạn.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)