Thường là mỗi bệnh nhân có vài người thân thay đổi nhau trực đêm. Nhưng có người đàn ông trung niên, đêm này qua đêm khác một mình nhẫn nại thức chăm cha già. Người bệnh đã 90 tuổi, bị bệnh phổi, thường khó thở về đêm. Hầu như đêm nào cũng vậy, cụ ngồi dựa nghiêng vào tường. Con trai kiên trì, nhẹ nhàng hết xoa lưng lại xoa vùng ngực, bụng cho cha dễ chịu. Khi cụ cần đi vào phòng vệ sinh, anh lại cẩn thận dìu đỡ, không rời nửa bước.

Người già bệnh nặng đôi khi nổi những cơn chướng tính, khó chiều. Vậy nhưng mỗi lần cha “nổi cơn chướng”, con trai càng kiên trì, nhẹ nhàng hơn, để dỗ dành. Hình ảnh đó khiến mọi người trong phòng bệnh thầm khâm phục. Ai cũng hỏi: “Anh không mệt à, sao anh giỏi vậy…”? Anh chỉ cười hiền. Hỏi chỉ để mà hỏi vậy thôi chứ ai chẳng biết, sao không mỏi mệt. Nhưng chắc chắn, vì tình yêu thương, hiếu nghĩa với đấng sinh thành quá lớn, nên người con trai ấy đã làm được điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Không những vậy, trong phòng bệnh, có một vài bệnh nhân do tình trạng bệnh nên bác sĩ đặc biệt dặn dò, đang đêm đi vệ sinh nhất định phải có người nhà đi cùng. Thế nhưng nhiều bác, nhiều cụ khi thấy con, cháu mệt mỏi ngủ quên, không nỡ đánh thức nên cứ lẳng lặng một mình. Thấy vậy, anh “hộ tống”, giúp đỡ người bệnh.

Ban ngày, mấy cô em gái thay nhau ghé vào bệnh viện, bới xách cơm, cháo vừa “trông coi”, bón cho cha ăn, để anh trai tranh thủ ngủ vài tiếng đồng hồ. Cùng cảnh ngộ nên người trong phòng bệnh như một nhà, thường hay tâm sự, chia sẻ. Cụ ông có 6 người con, 2 trai 4 gái, nhà cách bệnh viện chừng 30 cây số. Con trai cả đang công tác ở nước ngoài. Vậy nên con trai thứ thay mặt anh cả “giành” trách nhiệm chăm sóc cha già tại bệnh viện, giao các em lo chăm sóc sức khỏe cho người mẹ (vốn bị bệnh tiểu đường nhiều năm nay) ở nhà và thay nhau “tiếp sức” cùng anh là được. “Chị em chúng tôi muốn thay nhau đến đây thức đêm chăm cha, nhưng anh bảo, cha khó thở đêm phải ngồi suốt, sức phụ nữ không bền được đâu. Anh là đàn ông, lại đã từng có thời gian được rèn luyện trong quân đội, đã quen chịu gian khổ, các em đừng lo” - đó là lời kể đầy yêu thương, kính trọng của những người em gái.

Một ngày chủ nhật, bên giường bệnh, chỉ mấy cô con gái cùng nhau quây quần chăm sóc, động viên cha. Tôi hỏi hôm nay các chị thay anh trai ở lại trực đêm ở đây hay sao, thì nhận câu trả lời: “Tối nay vẫn anh trai chúng tôi trực ạ. Anh ấy tranh thủ về nhà từ lúc sáng, giúp vợ đi bón phân cho lúa. Vợ chồng anh ấy siêng năng, làm nhiều ruộng lắm. Bất cứ việc gì nặng nhọc là anh ấy “giành” về phần mình. Việc xã hội cũng vậy. Anh ấy là trưởng thôn, được mọi người tín nhiệm lắm”. Giọng nói, nụ cười của các chị khi kể về anh trai, toát lên niềm tự hào.

Quả thật, rất đáng để tự hào khi gia đình, xã hội có những người như anh ấy, hiếu thảo, trách nhiệm, gương mẫu… Những điều tốt đẹp đó chắc chắn “lan tỏa” đến những người xung quanh, để mọi người cố gắng sống tốt đẹp hơn.

Quỳnh Anh