Mấy ngày nay, bạn bè và đồng nghiệp của chúng tôi ở Đà Nẵng và nhiều nơi khác nữa đã chia sẻ nỗi xót xa của mình trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Xót xa, không phải vì phải thực hiện giãn cách xã hội vì đương nhiên, đó là việc cần làm, phải làm… mà vì thương người dân, thương cả nền kinh tế vừa rục rịch gượng dậy sau những ngày “chịu bão” đã lại tiếp tục “chịu bão”. Vấn đề còn nằm ở chỗ, việc truy vết F0 vô cùng phức tạp khi COVID-19 đã khởi phát và lây nhiễm trong cộng đồng, chưa rõ các ca bệnh có mối liên hệ với nhau hay không. Mặt khác, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận, dù chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Trước đó, là việc phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng trong thời gian gần đây. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, khởi tố vụ án nhưng cho đến lúc này, cũng chưa có kết luận cuối cùng về mối liên hệ đó với sự xuất hiện của dịch bệnh, song người dân có quyền quan ngại về sự lỏng lẻo trong quản lý xuất nhập cảnh và an ninh xã hội.

Trong cái nhìn trực diện về bản thân, chúng ta cũng phải tự nhận thấy rằng, dù không dài, nhưng chúng ta cũng đã khá lơ là, chủ quan với việc phòng ngừa dịch bệnh, nhất là trong việc “nới” sử dụng khẩu trang, không thường xuyên rửa tay sát khuẩn nữa; ít lo lắng hơn khi tham gia các hoạt động xã hội…

Rất nhiều biện pháp đã được các tỉnh, thành phố thực hiện ngay sau khi COVID-19 “tái xuất” ở Đà Nẵng. Khai báo y tế đối với những người đến/trở về từ Đà Nẵng đã được các địa phương đồng loạt yêu cầu thực hiện; một số tỉnh, thành phố còn yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với tất cả người ở Đà Nẵng về từ 1/7, cũng như tăng cường các chốt kiểm soát dịch để ngăn chặn nguy cơ ngay từ vòng ngoài.

Kích hoạt trở lại 23 đội phản ứng nhanh, tiến hành truy vết đối với tất cả các đối tượng có tiếp xúc gần, tiếp xúc trung gian đối với các ca bệnh ở Đà Nẵng; sẵn sàng các khu cách ly, rà soát hệ thống khai báo y tế; khai báo người địa phương khác đến Huế; xin hỗ trợ và mua thêm 10.000 kit test để sẵn sàng xét nghiệm COVID-19 khi cần thiết là điều mà Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo tại buổi giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 vào chiều 26/7. Một biện pháp khác, "rắn” hơn nhưng được đánh giá cao, là khách từ Đà Nẵng đến Huế phải khai báo y tế và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Chúng ta quá gần với thành phố bạn nên đó hoàn toàn là điều cần thiết trước nguy cơ kề cận.

Trong khi chính quyền các cấp đã và đang nỗ lực để ngăn chặn nguy cơ tái phát và lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng, mỗi người dân cũng nên “kích hoạt” trở lại việc tự phòng tránh bằng những điều đã được hướng dẫn và khuyến cáo của các cơ quan y tế…

Nguyễn An Lê