Và điều tiên đoán nêu trên đã hiện hữu. Theo tính toán của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, dự kiến năm nay, ngân sách tỉnh sẽ hụt thu so với kế hoạch thu vào khoảng 1.150 tỷ đồng. Tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt, thu nội địa gặp rất nhiều khó khăn. Con số cụ thể được nêu ra như sau: thu DNNN chỉ đạt 39% kế hoạch thu 6 tháng đầu năm 2020; khu vực ngoài quốc doanh đạt 41%; phí và lệ phí 31%; thu tiền thuê đất và mặt nước chỉ đạt 19%.

Trong bức tranh tổng thể chung của hoạt động kinh tế như vậy, “cứu cánh” cho thu ngân sách của tỉnh chính là nguồn thu từ quyền sử dụng đất. Nguồn thu này chiếm gần 1/3 nguồn thu nội địa. Trong khi nguồn thu nội địa đạt 3.802 tỷ đồng thì nguồn thu từ quyền sử dụng đất đã là 1.070 tỷ đồng. Nếu tính về tỷ lệ thì nó đạt 134% so với dự toán và tăng đến 88% so với cùng kỳ.

Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng, nguồn thu từ quyền sử dụng đất sẽ tạo ra sự thiếu bền vững cho nguồn thu ngân sách, nhưng theo người viết bài này là chưa hẳn vậy. Thu được nhiều từ quyền sử dụng đất nó cho thấy một thị trường bất động sản, địa ốc đang sôi động. Mà thị trường này phát triển nó có sức tác động lớn lên nhiều thị trường khác. Mặt khác, thu tiền sử dụng đất nhiều có nghĩa là tốc độ đô thị hóa đang phát triển nhanh, nhiều nhà máy, xí nghiệp… ra đời. Những yếu tố này sẽ tác động lên sự phát triển của nền kinh tế.

Trải qua đợt dịch bệnh kéo dài từ sau tết đến tháng 6 (tạm gọi là đợt 1), bức tranh kinh tế toàn cảnh của đất nước cũng như Thừa Thiên Huế đi xuống. Nhờ khống chế dịch tốt, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng tạo ra một bức tranh đẹp là điểm đến an toàn. Niềm vui “chẳng tày gang” thì dịch bệnh có dấu hiệu “rục rịch” trở lại.

Xuất phát điểm là từ Đà Nẵng. Tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh bây giờ là: Không được chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang lo lắng. Chúng ta bình tĩnh chống dịch nhưng cũng không loại trừ tình huống xấu nhất. Ý thức của cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh lúc này cần phải được đề cao. Điều này nó quan trọng với sức khỏe của cộng đồng và nó cũng quan trọng với hoạt động kinh tế, tức là cũng quan trọng với nguồn thu ngân sách. Chúng ta chưa thể biết được nguồn thu sẽ hụt 1.150 tỷ đồng, hay nhiều hơn, hay ít hơn. Tất cả điều này nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố dịch bệnh có xảy ra, có được khống chế tốt hay không!?

Tuy nhiên, dù có trong tình huống như thế nào – bình thường, không bình thường, hay “bình thường mới” thì việc chi tiêu ngân sách buộc phải điều hành một cách hiệu quả. Giảm chi những việc chi không cần thiết, tăng chi những việc chi cần thiết. Và điều quan trọng hơn, đó chính là tính hiệu quả của điều hành ngân sách.

Lê Phương