Phố Tây những ngày tạm dừng kinh doanh do COVID-19 hồi tháng 3/2020

Là caption (chú thích) mà chị Thu Huong Tran, một đồng nghiệp của chúng tôi ở Đà Nẵng đăng trên trang mạng xã hội ngay trước thời điểm thực hiện cách ly xã hội. Những bức ảnh của chị dưới caption cho thấy, lực lượng chức năng ở thành phố này đã dựng xong các rào chắn. Từ 0h ngày 28/7, 6 quận của Đà Nẵng bắt đầu thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những điều buộc phải thực hiện để phòng dịch lây lan trong cộng đồng khi thành phố này đã ghi nhận nhiều ca dương tính với COVID-19. Đến 13h chiều ngày 28/7, Hòa Vang là nơi cuối cùng ở Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội.

Tôi đọc được sự thấp thỏm của đồng nghiệp. Đã mấy hôm rồi, kể từ khi ca dương tính thứ nhất, thứ hai… được phát hiện, bên cạnh sự lo âu choàng lên, hầu như mọi người dân đều thấp thỏm cùng Đà Nẵng. Gieo rắc sự bất an, làm suy giảm nền kinh tế và lấy đi rất nhiều cơ hội là điều mà virus Corona – lần này là chủng mới – đã gây ra cho cộng đồng. Chưa ai có thể đối diện được với nó. Chưa ai khống chế được nó và cả thế giới này đều đang phải chịu đựng nó. Lần này, ở Việt Nam, đang là Đà Nẵng.

Rất nhiều nỗi xót xa, có lẽ vì thế đang được dành trước hết cho Đà Nẵng. Một sự chuyển hướng không hề vui khi mọi hoạt động đều phải dừng lại. Tai ương từ dịch bệnh không biết rồi sẽ rơi vào ai. Nó rồi sẽ lan ra đến tận đâu khi hơn 80.000 du khách đã chọn Đà Nẵng cho một kỳ nghỉ bằng đường bay. Chưa kể các phương tiện giao thông cá nhân và công cộng khác. Bạn khác của tôi – người lên chuyến bay cuối cùng rời Đà Nẵng vào lúc gần 0h ngày 28/7 đã nói rằng, hướng dẫn viên của đoàn đã khóc khi chia tay. Đó cũng là khung thời gian mà một đồng đội khác đã gọi thành tên là “giao thừa trắng” – một đêm giao thừa bất đắc dĩ ngay giữa mùa hè, đầy đau xót với bề bộn tâm trạng. Là giây phút hàng trăm, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, dân phòng của Đà Nẵng bắt đầu căng mình để bảo đảm thực hiện nghiêm mệnh lệnh cách ly.

Sống trong barie, đương nhiên là điều không ai mong muốn, nhưng có lẽ là một trạng thái an toàn hơn dành cho mỗi người và mọi người, không chỉ ở Đà Nẵng nhưng trước hết là Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Nhất là khi số ca bệnh có thể chưa dừng lại ở con số đã được công bố, vì các xét nghiệm vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Thế nên cũng là điều dễ hiểu khi người dân cảm kích trước việc một gia đình chủ động đặt ra một rào chắn bằng một thông báo ngay trước cửa “Gia đình mới đi du lịch Đà Nẵng- Quảng Ngãi về, tự cách ly 14 ngày, xin hàng xóm không lại gần”; cảm kích trước hình ảnh những bước chân vội vã trong trang phục chuyên dụng của các y, bác sĩ từ các bệnh viện lớn chi viện và tiếp ứng cho Đà Nẵng chống dịch, xử lý các ca bệnh để cứu người…

Giữa những ngày mà người dân Đà Nẵng chấp nhận “đứng yên để thành phố bình yên”, có thể ghi nhận một sự vào cuộc gấp rút từ các địa phương khác để lập nên những barie ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ nhiều nguồn. Những “hàng rào” như thế đã dựng lên bằng nhiều phương thức: sàng lọc các F2, F3 liên quan đến các bệnh nhân mang số và yêu cầu tự cách ly; những người đi từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ; kiểm soát chặt các trường hợp nghi nhiễm, tăng cường kiểm soát bảo đảm an toàn dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời phát hiện các ổ dịch và khoanh vùng, dập dịch triệt để…

Đó cũng là những biện pháp cương quyết, kịp thời mà người dân Thừa Thiên Huế đang đồng hành cùng chính quyền, tạo nên những barie mềm, để cùng nhau tránh và hạn chế đại dịch.

Bài: MINH HÀ - Ảnh: ANH QUÂN