Đầu tư và đấu nối hệ thống cấp nước cho xã Hương Hữu và Thượng Nhật (Nam Đông)
Tất cả vì nông thôn
Nhằm đảm bảo mục tiêu cấp nước sạch cho trên 90% dân số toàn tỉnh vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, HueWaco triển khai thực hiện DA nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước toàn tỉnh không phân biệt đô thị và nông thôn từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, 364 tỷ đồng đầu tư về khu vực nông thôn, chiếm 48% giá trị DA, 130 tỷ đồng (30%) đầu tư cho khu vực khó khăn, các xã bãi ngang ven biển đầm phá. DA đã đưa vào sử dụng 700km, giúp cho trên 225.000 đấu nối, lắp đặt mới 19.543 hộ, tương đương 900.000 dân (86% toàn tỉnh) được hưởng lợi.
Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWaco thông tin, những năm gần đây đơn vị đã tiếp nhận 21 hệ thông cấp nước (HTCN) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng, công nghệ xử lý nước lạc hậu, chất lượng nước không đảm bảo do lỗi thiết kế, thi công, quản lý vận hành thiếu chuyên nghiệp. Thời gian đến, các địa phương dự kiến bàn giao thêm 43 HTCN nông thôn, chủ yếu tập trung vùng Nam Đông, A Lưới. Các hệ thống này đã xuống cấp, không còn hoạt động, trong khi nguồn vốn đầu tư công giai đoạn này rất ít, chỉ đủ để cải tạo nâng cấp hệ thống.
HueWaco phải bù chéo giá nước sinh hoạt hàng chục tỷ đồng/năm
Trong giai đoạn nền kinh tế còn nhiều khó khăn, HueWaco đã sử dụng vốn tự có để nâng cấp, cải tạo nhà máy cũ và chào thầu lãi suất cạnh tranh vay ngân hàng thương mại để xây dựng các nhà máy mới. Trong đó, có thi công nối mạng các xã Hồng Thái, Hương Nguyên (A Lưới) và thi công HTCN sạch 5 xã vùng dưới huyện Nam Đông. Đến nay, tỷ lệ cấp nước sạch, an toàn toàn tỉnh đạt 90% với trên 1 triệu dân, trong đó 84% dân số khu vực nông thôn với 5.000 hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được tiếp cận nước sạch.
Cơ chế bù chéo giá nước đối với các vùng cùng những hỗ trợ về giá đã giúp người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi có cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch, an toàn.
Theo ông Trương Công Hân, hoạt động cấp nước nói chung và cấp nước nông thôn nói riêng có quy mô vốn lớn, suất đầu tư cao gấp 3 lần, giá thành cao gấp 2 lần so với đô thị. Trong khi, lượng nước tiêu thụ ít bằng ½ so với đô thị (miền núi 4m3, nông thôn 7m3, đô thị 14m3/hộ/tháng), giá bán thấp bằng 78% giá thành. Đơn vị cũng có chính sách giá nước cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số giảm thêm từ 15-20%, tỷ trọng nước sinh hoạt cao chiếm hơn 76%, phi sinh hoạt chỉ gần 24%.
Do vậy, phải thực hiện bù chéo cho giá nước sinh hoạt hàng chục tỷ đồng/năm (riêng năm 2019 là 69,4 tỷ đồng). Trong khi đơn vị đã cổ phần hóa nên sẽ thách thức đến hiệu quả kinh doanh, cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cổ đông - người lao động và khách hàng.
Đầu tư cấp nước hiệu quả
Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 8 vùng cấp nước, nhưng khi thực hiện DA nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước toàn tỉnh, ADB chỉ cho vay đầu tư 5 vùng, 3 vùng còn lại là Nam Đông, A Lưới, Chân Mây hiệu quả kinh tế thấp nên không vay được vốn ADB.
Sau khi cổ phần hóa, HueWaco đề xuất UBND tỉnh đưa các DA cấp nước của 3 vùng này vào chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025, sử dụng 205 tỷ đồng nguồn khấu hao tài sản nhận nợ, thuê tài sản và nguồn cổ tức vốn Nhà nước tại công ty cổ phần mà đơn vị nộp ngân sách.
Trong đó, năm 2020 đầu tư xây dựng nhà máy nước Thượng Long công suất 2.000m3 ngày - đêm và lắp đặt mạng lưới nước sạch dài 43,6km cho các xã thuộc huyện Nam Đông, với tổng mức đầu tư 50,8 tỷ đồng.
Theo HueWaco, đặc thù cấp nước của tỉnh không phân biệt đô thị và nông thôn, trên địa bàn có gần 5.000km đường ống cấp nước cho toàn tỉnh (so với Đà Nẵng chỉ 2.000 km) với 80% tài sản nằm đây và giá nước cũng nằm trên đường ống này.
Hiện tại, gần 80% là nước sinh hoạt, chỉ có 10% nước công nghiệp và chưa đến 10% là nước dịch vụ du lịch. Do đó, HueWaco phải bù chéo giá nước mỗi năm khoảng 70 triệu đồng. Tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ quá thấp, sinh hoạt quá cao, suất đầu tư về nông thôn gấp 3-4 lần thành thị do đường ông dài và cấp cho 1 địa phương phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư ở khu công nghiệp, trong khi trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch cấp nước năm 2011 được UBND tỉnh phê duyệt, được điều chỉnh qua các năm 2015 và 2020. Trong đó, đã đồng bộ quy hoạch cấp nước toàn tỉnh cả đô thị và nông thôn và 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.
Nam Đông sẽ hết “khát” nước DA nhà máy nước Thượng Long do HueWaco làm chủ đầu tư có công suất 2.000m3/ ngày- đêm và mạng lưới cấp nước các xã Thượng Long, Thượng Quảng và Hương Xuân có tổng mức đầu tư gần 50,8 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý III năm 2020. Hiện nay, UBND huyện Nam Đông đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất khu vực thực hiện nhà máy; đơn vị tư vấn đã hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trình Sở Xây dựng để khởi công công trình. HueWaco cũng đang triển khai DA đầu tư hệ thống cấp nước sạch 5 xã, thị trấn vùng dưới huyện Nam Đông với tổng mức đầu tư hơn 16,6 tỷ đồng với 3.000 hộ dân được hưởng lợi. |
Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWaco, lấy ví dụ, thời gian qua, đã đầu tư 2 khu công nghiệp hơn 400 tỷ đồng, nhưng lại có đơn vị muốn đầu tư 1 nhà máy nước ở khu công nghiệp Phong Điền 11.000m3; đầu tư nhà máy nước Nam Thượng ở Phú Bài (TX. Hương Thủy) trong khi HueWaco đã thừa 10.000m3, không biết tiêu thụ ở đâu, khi xây dựng thêm nhà máy này gây nên tình trạng chồng chéo.
Ông Nam cho rằng, đơn vị này chỉ đầu tư cho công nghiệp, không chia sẻ cho nước sinh hoạt.
Hiện nay, HueWaco đã cấp nước cho 91% dân số toàn tỉnh, để đảm bảo cấp nước cho 100% dân số toàn tỉnh vào năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị thì hiện nay đã có quy hoạch cấp nước toàn tỉnh và nguồn nộp ngân sách sau cổ phần rất hiệu quả, tăng lên 3,3 lần (trước đây 38 tỷ đồng, hiện nay đóng 140 tỷ đồng). Diện bao phủ, áp lực nước tăng, chất lượng nước tăng, dịch vụ tăng.
Theo HueWaco, đơn vị này đã nộp cổ tức cho Nhà nước và phần thuê lại từ năm 2017 đến nay là 205 tỷ đồng để cấp nước cho đô thị và nông thôn.
Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ cấp vốn còn ít (như nhà máy nước Thượng Long mới chỉ 13/40 tỷ đồng), khiến tỷ lệ cấp nước cho hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới rất thấp.
Nhằm đảm bảo hạ tầng cấp nước toàn tỉnh, các cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư cho hoạt động cấp nước tại các xã miền núi, bãi ngang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cấp nước đồng bộ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN