Theo vị phụ huynh này, ở lớp học thêm của con, cô giáo có một thỏa thuận: Học sinh nào đi học trễ sẽ phải nộp phạt. Mỗi lần trễ nộp 5.000 đồng. Số tiền không đáng là bao và theo cô giáo, đây là một hình thức nhắc nhở để các em ý thức cùng phụ huynh đi học đúng giờ, không trễ nải, tránh ảnh hưởng đến lớp và bản thân học sinh vì không ít trường hợp, có khi lớp đã vào học 30 phút mới có em bắt đầu đến, làm lớp xao nhãng, cô giáo phải dừng bài giữa chừng.

Mới đây, kết thúc năm học, con tôi khoe, được cô giáo một bộ môn khen thưởng 30.000 đồng vì có kết quả học tập tương đối ổn. “Bạn nào đạt trên 8,5 điểm tổng kết thì được cô giáo thưởng 20.000 đồng. Bạn nào cao hơn thì được nhận 30.000 đồng”, con cho hay. 

Nhìn tờ số tiền 30.000 đồng con khoe, thật tình, tôi cứ băn khoăn về những hình thức phạt, thưởng bằng tiền của các cô giáo.

Thiết nghĩ, có hình thức nào đó để các con đi học đúng giờ là điều cần thiết. Nhưng thay vì phạt, nếu cô giáo chuyển sang hình thức khen thì có lẽ, hiệu quả cũng không vì thế mà giảm sút nhưng giá trị khích lệ cao hơn. Và cũng không nên thưởng bằng tiền. Thay vào đó, những em nào đi học đúng giờ sẽ được thưởng, có thể là một cái kẹo, chiếc kẹp tóc, cây bút hay quyển sách nhỏ... Những vật dụng ấy cũng không phải quá đắt tiền và dễ mua nên cũng vô cùng tiện lợi.

Tương tự. Kết thúc kỳ thi, học sinh được cô giáo quan tâm khen thưởng là điều đáng quý, để khích lệ, động viên. Nhưng thay vì trao cho mỗi em vài chục ngàn đồng, món quà thưởng sẽ ý nghĩa hơn bằng một hiện vật phù hợp nào đó, chẳng hạn mà một cuốn sách liên quan đến môn học mà các em yêu thích.

Nhật Nguyên