Logo đồng euro được nhìn thấy bên ngoài trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại thành phố Frankfurt am Main, Đức. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN

Số liệu này cho thấy mức thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi chép vào năm 1995. Trong đó, các nền kinh tế lớn nhất khu vực đã chứng kiến sự sụt giảm 2 chữ số trong giai đoạn này, bởi các biện pháp phong toả nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19 gây ra.

Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức thu hẹp 10,1%; Italy giảm 12,4%; Pháp giảm 13,8%; và Tây Ban Nha báo cáo mức giảm 18,5%. Đáng chú ý, Tây Ban Nha là nền kinh tế hoạt động kém nhất trong quý thứ 2.

Trước đó, khối gồm 19 nền kinh tế thành viên đã phải đối mặt với mức sụt giảm 3,6% GDP trong quý đầu tiên của năm nay. Tỷ lệ GDP của Tây Ban Nha, Italy và Pháp giảm hơn 5% trong giai đoạn đó.

Được biết, số liệu mới nhất xem xét hoạt động kinh tế từ tháng 4 đến tháng 6, trùng với thời điểm mà nhiều Chính phủ ở khu vực châu Âu thực hiện các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt. Vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn trong tương lai, trong bối cảnh một số quốc gia đã báo cáo sự gia tăng trong số các ca bệnh mới trong những tuần gần đây.

“Trong khi một số phần của nền kinh tế đã hoạt động trở lại trong 2 tháng qua, tổn thất đã gây ra, kết hợp với tác động hiện tại và tiềm tàng trong tương lai của đại dịch cho thấy, sự phục hồi sẽ chậm”, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Hãng Tư vấn Nghiên cứu Kinh tế Capital Economics cho biết trong một lưu ý.

Trước đó hồi tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã dự báo sự sụt giảm 8,7% GDP đối với khu vực đồng euro trong năm 2020. Ngoài ra, ngân hàng trung ương này cũng dự kiến ​​hoạt động kinh tế sẽ hồi phục đáng kể trong quý thứ 3, so với 6 tháng đầu năm nay.

Cùng ngày 31/7, Cơ quan Thống kê Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) cũng cho hay, lạm phát trong khu vực đồng euro đứng ở mức 0,4% vào tháng 7. Con số này đã tăng từ mức 0,3% trong tháng 6.

Hiện nay, Chính phủ của nhiều quốc gia khác nhau nhận định, họ sẽ không đóng cửa nền kinh tế hoàn toàn, như họ đã làm trước đây. Tuy nhiên, các quan chức cho biết, Chính phủ sẽ sẵn sàng áp đặt những biện pháp bổ sung và nghiêm ngặt hơn đối với những sự kiện nhóm họp tập trung, cũng như các quy tắc giãn cách xã hội khác nhằm tránh một làn sóng bùng phát thứ hai lớn.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNBC)