Xe buýt Phương Trang đã về Huế và đăng ký biển số vàng trước khi đi vào hoạt động vào ngày 6/8 tới

Theo đó, đơn vị này hoạt động trên 5 tuyến: Bến xe phía Nam TP. Huế - Bến xe phía Bắc TP. Huế; Bến xe phía Nam TP. Huế - Vinh Thanh (Phú Vang); Bến xe phía Nam TP. Huế - KCN Phú Bài (Hương Thủy); Bến xe phía Nam TP. Huế - thị trấn Phong Điền (Phong Điền); Bến xe phía Nam TP. Huế - thị trấn Sịa (Quảng Điền) với tần suất 424 chuyến/ngày, với thời gian hoạt động bắt đầu từ 6 giờ đến 18 giờ trong ngày. Riêng tuyến từ thị trấn Phong Điền - Phong Hòa (Phong Điền) với cự ly 12,6 km sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2021.

Ông Trần Viết Toàn, đại diện lãnh đạo Công ty CP xe khách Phương Trang Futabulines tại Huế cho biết, mô hình xe buýt không trợ giá được đơn vị đưa vào hoạt động tại Thừa Thiên Huế dịp này gồm 32 xe, loại 30 ghế trong đó có 23 ghế ngồi được đầu tư mới 100%, đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải (xe được sản xuất từ năm 2019 chưa qua sử dụng. Xe có lắp đặt hệ thống camera, wifi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

Để đảm bảo hài lòng hành khách trong quá trình hoạt động, đơn vị đã tuyển chọn 70 tài xế và kiểm soát viên phục vụ trên xe đảm bảo quy tắc thân thiện, chạy đúng giờ theo biểu đồ, đón trả khách tại các vị trí trạm dừng; hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc cho hành khách và có quyền từ chối vận chuyển hành khách gây mất an ninh trật tự, không vận chuyển hàng cấm, chất dễ gây cháy nổ...

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Đăng kiểm, Sở GTVT cho biết, mô hình xe buýt không trợ giá đang thực hiện thí điểm nhiều địa phương vì tính ưu việt so với mô hình xe buýt có trợ giá, giảm nguồn ngân sách đáng kể cho Nhà nước; đồng thời, giúp doanh nghiệp chủ động đầu tư phương tiện, sử dụng, quản lý người lao động, đề xuất giá vé, tự cân đối tài chính hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, mô hình xe buýt không trợ giá này sẽ giảm giá vé cho đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Tin, ảnh: Minh Văn