Hội chợ là dịp để Hương Thủy mở rộng thị trường đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông sản, làng nghề

Phát triển hài hòa

Một số mục tiêu Hương Thủy hướng đến trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đồng thời trở thành trung tâm kinh tế và đô thị động lực của tỉnh dựa trên sự phát triển song song giữa đồng bằng, đô thị với vùng núi, gò đồi.

Nói như ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy: “Trở thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh và hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, mục đích cuối cùng là để nâng cao đời sống, nâng cao mức thụ hưởng của toàn thể người dân trên địa bàn”.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, ở vùng đồng bằng, đô thị, Hương Thủy tiếp tục tập trung phát huy, tận dụng các lợi thế từ khu đô thị An Vân Dương, khu CN Phú Bài giai đoạn IV, Cảng HKQT Phú Bài… để đẩy mạnh phát triển CN – TTCN và các loại hình dịch vụ về tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục, vận tải, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ sạch và tăng cường chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đẹp…

Ở vùng núi, gò đồi, sẽ tập trung phát triển theo hướng cơ cấu kinh tế nông nghiệp kết hợp dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển trồng rừng kinh tế ở các xã gò đồi, nâng cao diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC; nhân rộng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả như: thanh trà, bưởi da xanh, các vùng trồng cây dược liệu, cây thực phẩm, chăn nuôi tập trung…

“Sắp tới, một mặt Hương Thủy sẽ thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt cơ sở, đồng thời, quy hoạch và di dời các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư vào cụm công nghiệp Thủy Phương, đi kèm với đó là xây dựng, nâng cấp các hệ thống xử lý nước, khí thải…Chính quyền tạo điều kiện tốt nhất có thể để các doanh nghiệp phát triển nhưng đồng thời phải gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.

Cách nghĩ mới, hướng đi mới

Hội chợ thương mại và triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, làng nghề trên địa bàn thị xã được Hương Thủy tổ chức từ 25 – 27/7. Do lần đầu tổ chức nên kỳ vọng đặt vào hội chợ này chưa lớn mà đang ở mức thăm dò. Nhưng chỉ trong 3 ngày, các mặt hàng của doanh nghiệp, làng nghề… tại hội chợ đã thu hút rất nhiều khách hàng, đối tác.

“Điều này cho thấy tiềm năng, uy tín, chất lượng của các sản phẩm rất cao. Với việc hàng năm, thị xã dành từ 200-250 triệu đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ thì đây chính là cơ sở để Hương Thủy đẩy mạnh phát triển cũng như mở rộng thị trường trong nước, nước ngoài”, ông Nguyễn Thanh Minh nói về dự định sau hội chợ.

Được người dân và du khách biết đến là nơi có cầu ngói Thanh Toàn, có chợ đêm, có du lịch cộng đồng, có thác Chín Chàng, có hồ Tả Trạch… cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trải rộng trên địa bàn. Thay vì tập trung khai thác hiệu quả đơn thuần về kinh tế, Hương Thủy đã và đang hướng đến cách khai thác dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng văn hóa.

“Với cách khai thác này, hiệu quả đơn thuần về kinh tế trước mắt không cao, nhưng về lâu dài, sẽ đem lại lợi ích khó thể đong đếm khi không chỉ du khách mà ngay cả người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn, tự hào hơn về truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa thông qua tìm hiểu, khám phá những địa chỉ đỏ, những di tích văn hóa ông cha để lại, qua đó góp phần lan tỏa mạnh hơn hình ảnh Hương Thủy đến với công chúng”, ông Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.

Là địa phương “điểm” của tỉnh trong phong trào “Chủ Nhật xanh” với nhiều mô hình, cách làm tiêu biểu, hiệu quả, bên cạnh ý thức gìn giữ môi trường đã trở thành phản xạ “không điều kiện”, hiện tại, quan điểm của cán bộ, người dân Hương Thủy về “Chủ Nhật xanh” không đơn thuần là dọn vệ sinh, mà còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là phải “xanh – sạch - sáng” trong lời ăn, tiếng nói, trong nếp sinh hoạt hằng ngày.

Bài, ảnh: Hàn Đăng