Do đó, vấn đề trước mắt là khôi phục nền kinh tế bằng cách đưa việc làm trở lại nhanh nhất có thể. Chính phủ các nước cần xem xét các gói kích thích có thể tạo ra tác động lâu dài và tích cực đối với một loạt các vấn đề. Theo một bài phân tích trên The ASEAN Post, mô hình các tòa nhà hiệu quả năng lượng (EE) có thể giải quyết hai trong số những mối quan tâm lớn nhất hiện nay là tiết kiệm năng lượng và tạo việc làm.
Thúc đẩy các giải pháp năng lượng hiệu quả thông qua việc trang bị thêm cho các tòa nhà hiện có sẽ tạo thêm việc làm tại các địa phương một cách nhanh chóng, trong khi giúp giảm chi phí vận hành các tòa nhà. Điều này sẽ hỗ trợ các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn sau cuộc khủng hoảng hiện tại.
Thực tế, nhiều thành viên trong các hộ nghèo ở Đông Nam Á chủ yếu là các lao động làm thuê. Việc di cư từ nông thôn ra thành thị hoặc sang các nước láng giềng để tìm kiếm cơ hội việc làm là một đóng góp quan trọng cho thu nhập của các hộ gia đình này. Tuy nhiên, do hậu quả của đại dịch, các ngành xây dựng, may mặc, giày dép và dệt may hiện đang phải đối mặt với việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn.
Trong bối cảnh đó, là một phần trong kế hoạch kích thích kinh tế, các chính phủ có thể lập kế hoạch cho các dự án EE để nhanh chóng tạo việc làm tại địa phương, cũng như giúp các doanh nghiệp phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Bên cạnh việc xây dựng các giải pháp năng lượng hiệu quả, việc áp dụng tiết kiệm năng lượng trong các hộ gia đình và các ngành công nghiệp cũng giúp làm giảm chi tiêu. Tối ưu hóa các giải pháp năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà sẽ rất có lợi về chi phí, vì nó có thể hoạt động hiệu quả hơn tới 70% so với các tòa nhà thương mại thông thường và sẽ cung cấp cho chủ sở hữu một giải pháp nhanh chóng để giảm mức tiêu thụ năng lượng, và do đó, giảm chi phí vận hành tòa nhà.
Các gói kích thích cũng có thể bao gồm đầu tư vào các công ty dịch vụ năng lượng (ESCOs). Năng lượng hiệu quả còn được coi là nguồn “nhiên liệu ẩn” khi nguồn năng lượng tiết kiệm được có thể được sử dụng cho các hoạt động kinh tế khác và cho lượng dân số lớn hơn.
Giới phân tích cho rằng, các quốc gia ASEAN cần phải hành động nhanh chóng và chuẩn bị thay đổi chính sách năng lượng để nắm bắt năng lượng tái tạo, công nghệ năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng vào các kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia, để từ đó chuyển đổi các hệ thống năng lượng theo hướng bền vững. Đầu tư vào EE sẽ giúp tránh xây dựng thêm các nhà máy điện, và tiền tiết kiệm có thể được đưa trở lại nền kinh tế.
Hơn nữa, việc triển khai các tòa nhà EE và các khoản đầu tư liên quan sẽ tạo ra cơ hội việc làm ngay lập tức, do đó, góp phần trực tiếp vào việc phục hồi kinh doanh. Đây là thời điểm tốt để các chính phủ đầu tư nghiêm túc vào các tòa nhà EE vì nó sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế, môi trường và xã hội.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ The ASEAN Post)