Trong khi yêu cầu ngày càng vươn đến ngư trường lớn, bám biển dài ngày thì nhiều phương tiện, ngư cụ còn thô sơ; hạ tầng xuống cấp, lạc hậu; dịch vụ hậu cần, chế biến chưa đồng bộ... khiến ngành khai thác thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế biển.

Cá cờ được xem là sản phẩm xa xỉ đối với ngư dân Thừa Thiên Huế

“Theo đuôi con cá” 

Trở về sau chuyến biển kéo dài chừng một tuần, ngư dân Trần Văn Quyến ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) không vui.

Như bao chuyến biển trước, chuyến biển này, tàu ông Quyến cũng chỉ mang về toàn cá nục, bánh lái, cá hố. Đây là những loại cá có giá trị kinh tế không cao nên dù chuyến biển trúng đậm hơn 2 tấn cá nhưng giá thấp, khó bán nên trừ các khoản chi phí nhiên liệu, đá ướp hải sản, công lao động, sửa chữa lưới, trang thiết bị…thì chỉ còn lãi chừng 10-15 triệu đồng.

Mấy chục năm gắn bó nghề biển, ông Quyến thừa nhận, lâu nay ông cũng như nhiều ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đánh bắt truyền thống, vẫn thăm dò luồng cá, loại cá theo con nước, chiều gió, nước chảy xuôi, chảy ngược… Ngư dân biết rõ hạn chế về công nghệ, năng lực đánh bắt trước yêu cầu mới, như thiếu máy dò cá, hầm bảo quản hải sản hiện đại… nhưng vì khó khăn về vốn nên chưa thể đầu tư mua sắm.

Nhiều tàu hiện nay, nhất là các tàu có công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV chưa được đầu tư trang bị máy dò cá. Một số tàu được trang bị máy dò cá nhưng lạc hậu, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác. Ngư dân trên địa bàn tỉnh lâu nay đa phần sử dụng máy dò cá dọc, chủ yếu phát hiện được đàn cá gần, thậm chí chỉ ngay dưới thân tàu nên hiệu quả không cao. Hoặc sử dụng máy dò cá lạc hậu (sonar) nên dù phát hiện được luồng cá, nhưng khi cá di chuyển, tàu không thể bám được để đánh bắt.

Đến nay, ngư dân vẫn loay hoay với các nghề truyền thống như vây rút chì, lưới mành, lưới rê, hệ thống lưới ngắn, thấp, hạn chế độ sâu, chỉ chừng 50-70m; chủ yếu bủa các loại cá nục, bánh lái, bạc má, hố, trích... giá trị kinh tế thấp. Chuyện đánh bắt được những mẻ cá cờ, thu, chủa… có giá trị kinh tế cao với ngư dân lâu nay được xem là xa xỉ.

Câu cá ngừ đại dương xuất khẩu với nhiều tỉnh, thành là chuyện thường, mỗi chuyến có thể thu về tiền tỷ, thì ngư dân Thừa Thiên Huế đến nay vẫn chưa làm được. Kinh nghiệm, năng lực và ngư cụ lạc hậu chính là rào cản đối với ngư dân trong việc khai thác, đánh bắt loại cá xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao này.

Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) đánh giá, trong khi các loại hải sản có giá trị kinh tế cao thường có giá ổn định, thậm chí cao thì giá các loại cá nục, hố, bánh lái… trên thị trường giảm, khó tiêu thụ. Điều này phản ánh một thực tế về hạn chế năng lực, tư duy đầu tư công nghệ ĐBXB lạc hậu của ngư dân hiện nay, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, hầu hết các cơ sở thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện, năng lực chế biến, xuất khẩu nên chủ yếu thu mua các loại cá có giá trị kinh tế thấp, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Một số hải sản (trích, nục, hố, bạc má…) được các cơ sở chế biến, phơi khô xuất khẩu sang Trung Quốc. Gần đây, các mặt hàng này không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khiến giá hải sản càng bấp bênh, khó bán. Phần lớn các loại hải sản, đặc biệt cá có giá trị kinh tế cao như thu, chủa, ngừ, cờ… chủ yếu bán cho tàu hậu cần, các cơ sở thu mua ở Đà Nẵng để chế biến, xuất khẩu.

Công nghệ bảo quản hải sản sau khai thác đối với nhiều tàu lạc hậu khiến giảm sút chất lượng, sản lượng. Công nghệ bảo quản cá bằng khoang tàu, ướp nước đá như hiện nay làm giảm sản lượng đến 20% mỗi chuyến đánh bắt. Theo tính toán của ngành thủy sản, bình quân mỗi năm, sản lượng đánh bắt giảm khoảng 20%, tương đương 7.500 tấn sản phẩm, trị giá 110 tỷ đồng.

Hiệu quả đánh bắt chưa cao, thậm chí nhiều chuyến thua lỗ nên nhiều chủ tàu trả công lao động cho thuyền viên rất thấp, thậm chí nhiều chuyến “không lương”. Vào mùa cao điểm đánh bắt hải sản, nhiều tàu vẫn nằm bờ do thiếu lao động khiến các chủ tàu mất nguồn thu nhập, đời sống ngư dân lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Âu thuyền Phú Hải chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu

Hạ tầng lạc hậu

Sau sự cố mắc cạn, bị sóng đánh hư hỏng nặng tại cửa biển Thuận An, đến nay, tàu cá số hiệu TTH 95138 TS của ông Nguyễn Văn Bảo ở xã Vinh Thanh (Phú Vang) đã được sửa chữa sau hai tháng nằm bờ.

Điều ông Bảo lo lắng hơn, khi tàu gặp nạn, sinh mạng của 11 thuyền viên có thể bị sóng biển cuốn trôi. Rất may, ngay sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An điều động phương tiện, lực lượng đến ứng cứu.

Cùng thời điểm, tàu của một ngư dân ở Thanh Hóa mang số hiệu TH 90178 TS chở hơn 10 thuyền viên đang trên đường vào cửa biển Thuận An thì mắc cạn tại phao số 0, sóng đánh vỡ mạn thuyền. Hơn 10 thuyền viên và chiếc tàu sau đó được ứng cứu.

Không được may mắn như nhiều tàu gặp nạn khác, cách đây mấy năm, tàu ông Nguyễn Văn Hiền ở thị trấn Thuận An bị mắc cạn khi đánh cá trở về, gặp sóng to gió lớn đánh chìm khiến bốn ngư dân thiệt mạng.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An nhận định, do tác động biến đổi khí hậu, dòng chảy biến động, thay đổi nên luồng lạch tại cửa biển Thuận An năm nay có hiện tượng bồi lấp sớm hơn mọi năm. Những năm qua đã tổ chức nhiều đợt nạo vét với chi phí lớn hàng tỷ đồng/năm nhưng vẫn không hiệu quả, luồng lạch lại nhanh chóng bồi lấp.

Ngân sách Nhà nước cũng đã đầu tư khá lớn cho công tác nạo vét cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc) nhưng luồng lạch tại đây vẫn nhanh chóng bị bồi lấp, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi tàu thuyền ra vào cửa biển Tư Hiền.

Ngư dân Ngô Đức Mạnh ở xã Phú Thuận (Phú Vang) nan giải, không chỉ luồng lạch ra vào bị bồi lấp, hiện nay, hầu hết các âu thuyền neo đậu, tránh trú bão Phú Hải, Phú Thuận đều xuống cấp, lạc hậu. Nền móng tại các âu thuyền bị hư hỏng không chỉ gây khó khăn trong việc neo đậu tàu thuyền, mà còn trở ngại khi tập kết nhiên liệu, sản phẩm. 

Cứ vào mùa mưa bão, ngư dân phải chen chúc đưa tàu vào các âu thuyền neo đậu, xảy ra cảnh lộn xộn, mất trật tự, thậm chí xô xát. Tàu vào được âu thuyền rồi vẫn không đảm bảo an toàn vì thiếu chỗ neo đậu, một số nơi bị bồi lấp rất khó di chuyển. Một số tàu đành phải đưa vào âu thuyền, bến cảng Đà Nẵng tránh trú nhờ, việc di chuyển đường xa mất nhiều thời gian, công sức và hao tốn chi phí xăng dầu.

Chủ tàu Nguyễn Hôi ở thị trấn Thuận An và ngư dân rất lo ngại trước tình trạng Cảng cá Thuận An (CCTA) đang ngày càng quá tải trầm trọng. Các chủ tàu thường canh thời điểm để trở về cập cảng, kịp thời giao hàng. Nhưng nhiều chuyến về đến thì không thể nào cập bến vì phải chờ các tàu về trước đang bốc hải sản lên bờ. Mất nhiều thời gian chờ bốc hải sản cũng là hạn chế làm giảm chất lượng sản phẩm.

Giám đốc CCTA, ông Trần Quang Nhất thông tin, CCTA được xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2002. Công suất thiết kế neo đậu của bến cảng từ 3.000-5.000 tấn/năm, chủ yếu phục vụ các loại tàu trung bình 90 CV. Tuy nhiên, số lượng tàu công suất lớn từ 400 CV đến 1.100 CV tăng đột biến trong mấy năm trở lại đây khiến CCTA không thể đáp ứng yêu cầu.

Hạn chế của cầu cảng hiện nay là quá ngắn, hẹp (dài chỉ 150m, rộng 3,5m) nên chỉ đáp ứng mỗi lượt khoảng trên dưới 5 chiếc tàu cập bến và chỉ đáp ứng phương tiện qua lại một chiều, hạn chế đối với các phương tiện vận tải phục vụ thu mua hải sản, cung ứng dịch vụ hậu cần. Nhiều hạng mục như hệ thống điện, nước… đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu hoạt động của bến cảng.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, hạn chế lớn nhất hiện nay là hạ tầng phục vụ ĐBXB và nuôi trồng thủy sản. Các khu neo đậu xuống cấp, đầu tư nhỏ giọt nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hoạt động của đội tàu ĐBXB, dịch vụ hậu cần xa bờ trước yêu cầu mới. Dịch vụ hậu cần nghề cá (dịch vụ thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu hải sản…) chưa tương xứng, hạ tầng cảng cá chưa đồng bộ nên đội tàu ĐBXB thường phải bán sản phẩm ở tỉnh khác.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Kỳ 2: Có cơ hội, có hy vọng