Phương án này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 vào sáng 3/8, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến muốn lùi thời gian thi, song theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nếu lùi kỳ thi sẽ chưa biết lùi đến thời điểm nào; đồng thời, nếu không tổ chức đúng kế hoạch thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xét tuyển cao đẳng, đại học.

Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo được kỳ thi an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhằm giảm phần lo lắng cho phụ huynh và xã hội. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi cơ bản hoàn tất, hầu hết các địa phương đều thể hiện quyết tâm, sẵn sàng cho kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các bộ liên quan bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và giáo viên; có phương án cụ thể, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong từng địa phương; kỳ thi phải được tổ chức chu đáo, khoa học, không để sơ suất xảy ra…

Băn khoăn hiện nay là nhóm đối tượng thi vào đợt sau thì sẽ thi vào khi nào; nếu việc cách ly xã hội vẫn cứ tiếp tục kéo dài? Trong trường hợp bất khả kháng, được Quốc hội cho phép đặc cách xét tốt nghiệp thì cũng cần có sự tính toán hợp lý trong xét tuyển vào đại học, nhằm đảm bảo công bằng và quyền lợi cho học sinh, nhất là các học sinh đang theo học ở các trường chất lượng cao. Mặt khác, khi đã được xét tuyển vào đại học, các em đang ở vùng còn dịch phải nhập học ra sao; bởi đa số trường đại học mang tính khu vực, không phải như trường THPT cơ bản học sinh ở vùng nào học ở vùng đó… Các vấn đề này cần có phương án chuẩn bị, để đảm bảo cho một mùa tuyển sinh công bằng, chất lượng và an toàn.

Đặng Thành