Các đơn hàng được phân loại để vận chuyển đến người tiêu dùng trực tuyến. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Theo một nghiên cứu do Công ty Truyền thông Xã hội Facebook và Công ty Tư vấn Bain & Company phát hành ngày 6/8, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ở khu vực Đông Nam Á, những người mua hàng hóa hoặc dịch vụ theo hình thức trực tuyến, được dự kiến sẽ đạt 310 triệu người vào cuối năm nay.
Trước đó trong một báo cáo được phát hành hồi năm ngoái, các công ty này đã dự báo con số 310 triệu người cho năm 2025.
Bà Sandhya Devanathan, Giám đốc Điều hành của Facebook tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận định: "Khi 5 năm tăng tốc kỹ thuật số được rút ngắn lại thành 1 năm, tác động của việc áp dụng kỹ thuật số đối với các doanh nghiệp chưa bao giờ rõ ràng hơn… Đã có sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong khu vực".
Việc chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến đã được thúc đẩy rất nhiều bởi nhu cầu ngày càng tăng của mọi người ở nhà để làm việc, học tập, vui chơi và thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, nghiên cứu nói trên cho thấy.
Báo cáo được phát hành trên Facebook lưu ý: "Giãn cách xã hội đã mở đường cho lối sống tập trung ở nhà, cũng như thương mại với sự tiếp xúc vật lý tối thiểu. Đối với nhiều doanh nghiệp, cách duy nhất để đảm bảo tương lai của họ là thiết lập sự hiện diện kỹ thuật số mạnh mẽ".
Trong một động thái liên quan, ông Praneeth Yendamuri, đối tác tại Bain & Company cho rằng: "Năm 2020 thực sự là một năm của sự thay đổi nhanh chóng hơn".
Nghiên cứu mới nhất đã được tiến hành trực tuyến vào tháng 5, bao gồm một cuộc khảo sát trên hơn 16.000 người trả lời, cùng với các cuộc phỏng vấn với hơn 20 Giám đốc Điều hành các doanh nghiệp đến từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau trên 6 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng Đông Nam Á đang mua sắm trực tuyến trên nhiều danh mục hơn, đó là quần áo, đồ chơi, hàng tạp hóa, hay đồ gia dụng, trong số những mặt hàng khác.
Hồi năm ngoái, mỗi người tiêu dùng trong khu vực đã lên mạng để mua các mặt hàng từ mức trung bình 3,7 danh mục. Năm nay, số lượng danh mục đã tăng lên 5,1, đánh dấu mức tăng 40%.
Đáng chú ý nhất là đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người mua sắm lên mạng để tìm mua các mặt hàng tạp hóa nhiều hơn bao giờ hết. Trước khi đại dịch xảy ra, danh mục này có tỷ lệ bán lẻ trực tuyến thấp nhất; tuy nhiên, báo cáo nói trên cho thấy, khoảng 43% người tiêu dùng kỹ thuật số khẳng định họ đã mua hàng tạp hóa trực tuyến trong năm nay.
Phần lớn các giao dịch mua hàng trực tuyến lần đầu tiên đã được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, cũng được nhận thấy là hàng tạp hóa. Trước đó, các đơn hàng trực tuyến lần đầu tiên được chi phối bởi những mặt hàng như đồ nội thất gia đình và đồ điện tử tiêu dùng trong giai đoạn 3 tháng, tính trước tháng 3 năm nay.
Bên cạnh đó, mức tăng trong chi tiêu trung bình trên mỗi giao dịch trực tuyến trong danh mục này cũng tăng gấp đôi so với con số của năm ngoái. Điều này xảy ra khi người mua sắm trong khu vực đang chi tiêu nhiều tiền hơn trên hình thức trực tuyến nói chung.
Đến năm 2025, nghiên cứu cho biết, người tiêu dùng kỹ thuật số sẽ chi tiêu ở mức trung bình nhiều hơn gấp 3,5 lần so với năm 2018, vượt xa mức tăng 3,2 lần đã được dự báo hồi năm ngoái.
Tính theo đầu người, giá trị trung bình của các hàng hóa hoặc dịch vụ được mua sắm trực tuyến được dự kiến sẽ đạt 429 USD vào năm 2025, tăng từ mức trung bình 124 USD được chi trung bình trên mỗi người trong năm 2018.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Straits Times)