Trong hoàn cảnh bình thường đã vậy. Nay với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nguy cơ mất an toàn ở những nơi tập trung đông người như các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế là rất cao. Chỉ cần có một ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là cả một dây chuyền, một nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa. Điều này không chỉ liên lụy đến nhiều lao động, gây thiệt hại trực tiếp cho chính doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến quá trình chống dịch của địa phương nói riêng, cả nước nói chung .

Thực tế từ đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm, trong thời gian duy trì hoạt động các doanh nghiệp áp dụng nhiều biện pháp trong việc phòng chống dịch, như hạn chế người ra vào, theo dõi y tế, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, tăng chế độ dinh dưỡng cho người lao động, cải thiện môi trường làm việc… Tuy vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của các doanh nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào sự quan tâm của người quản lý, điều kiện của doanh nghiệp.

 Nay với sự tái bùng phát dịch COVID-19, các biện pháp, điều kiện đảm bảo an toàn trong sản xuất được tiêu chuẩn hóa bằng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 127 của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh.

Theo đó, bộ tiêu chí đánh giá sẽ có 10 tiêu chí cụ thể, với tổng thang điểm tối đa là 100 điểm. Các doanh nghiệp đạt 80 điểm trở lên là đảm bảo tiêu chí an toàn, được hoạt động; từ 50-80 điểm được hoạt động nhưng phải khắc phục ngay các tiêu chí không đạt trong vòng 1 tuần; còn dưới 50 điểm là không đảm bảo an toàn phải ngừng hoạt động để khắc phục.

Tiêu chí cụ thể, trách nhiệm phân công rõ ràng và ngày 3/8, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có Công điện khẩn số 08 đôn đốc các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện việc đánh giá tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo an toàn trong sản xuất lúc này, ngoài ý thức, sự tự giác của mỗi người lao động, từng doanh nghiệp cần chủ động làm tốt công tác phòng dịch tại đơn vị mình; trong đó trách nhiệm này đặt lên vai những người quản lý doanh nghiệp, người sử dụng lao động và sự kiểm tra, giám sát của các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh tăng nhanh, xuất hiện ở nhiều địa phương nên nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao. Trong bối  cảnh đó, việc siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh là giải pháp chủ động để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp; góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phát triển sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch hiệu quả của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Hoàng Minh