Vốn là bác sĩ quân y, mẹ chồng chị có tính nghiêm khắc, thẳng thắn của người lính hơn là sự nhu hòa của một thầy thuốc. Bà rèn con dâu từ cách úp chén bát đến gấp chăn màn, từ việc đi chợ chọn thực phẩm đến nấu các món ăn. Những tiểu tiết như xếp bàn ghế, treo áo quần, để giày dép… đều được bà định vị, lập trình khiến con phải ép mình, làm theo. Lắm lúc cảm thấy bức bối nhưng chị chẳng có lý do để “chống đối”. Bởi bà luôn nhỏ nhẹ khuyên bảo; nếu con làm không đúng, bà tự làm lấy, vừa ngầm khích lệ chị làm theo vừa có vẻ như bất cần. Đã thế, chị đành chiều mẹ nhưng mong ngày tháng qua nhanh để vợ chồng sớm về căn hộ thuê riêng trên phố. Thật ra, chị chẳng phải mong, ngay khi mới lơ ngơ về làm dâu, chị đã được mẹ chồng định ngày cho ở riêng.

Ra riêng rồi, chị ít về quê chồng; mỗi lần về cứ như vượt lên chính mình. Vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc của mẹ khiến con dâu ngần ngại khi sống gần, lại dè chừng, khép nép. Cùng nỗi niềm ấy là bước chân rời rạc đi về và thoăn thoắt quay ra. Dù mẹ vẫn lo cho con từ mớ rau sạch đến lọ mắm tự làm, từ củ quả vườn nhà đến vịt gà nuôi được gửi lên phố mỗi tuần nhưng chị cảm thấy khoảng cách mơ hồ giữa hai người vẫn rất rõ. Ngẫm lời người xưa “khác máu tanh lòng”, chị càng có lý do để thấy mẹ chồng gần đấy nhưng xa đấy.

Dù “ăn cơm trước kẻng”, phá lệ thường tình thì chị vẫn vui khi sắp có con đầu lòng; lại háo hức chờ niềm vui được cộng hưởng từ bà nội tương lai. Khi nghe sắp có cháu đích tôn, bà dừng tay lặt rau, ngước nhìn chị với câu hỏi khô khốc: “Thật không?”. Nụ cười thẹn cùng tiếng “dạ” khẽ thay cho lời khẳng định của con khiến khuôn mặt người mẹ rạng rỡ, nhìn con trìu mến. Chỉ thoáng thế thôi rồi bà lại bình thản cúi xuống lặt rau, không một lời xuýt xoa, phấn khích. Chị chưng hửng trước nét mặt chừng mực của mẹ chồng, hoàn toàn không tương xứng với niềm vui lớn do con mang lại; bất chợt chị hoài nghi tình thương bà dành cho cốt nhục của mình. Phân vân pha chút tủi thân khiến chị không tập trung nghe bà chỉ bảo cách dưỡng thai. Thay vì tán dương niềm vui sắp có cháu, bà say sưa nói về những dưỡng chất cho bà bầu rồi việc cần cho trẻ làm quen âm nhạc từ trong bụng mẹ. Lúc khác, thấy trên ti-vi có chương trình dành cho thai phụ, bà lại rối rít gọi con cùng xem rồi bàn cách làm theo.

Chị về làm dâu chưa bao lâu thì bà nội chồng mất đột ngột khiến cả nhà sửng sốt, bàng hoàng. Ba bà cô chồng lăn ra khóc gào rồi nằm dài bên quan tài của mẹ đêm ngày; việc còn lại dồn vào mẹ chồng chị. Từ khắc bia xây mộ đến sắm đồ tang chế, từ lập bàn thờ đến chọn giờ hay bày lễ cúng… người ta đều hỏi bà. Xong đám, mấy cô bĩu môi xầm xì, lòng vòng rồi cũng đến tai nhau: “Mẹ chồng chết mà bà dâu chẳng có được giọt nước mắt!”. Chị thấy quả là oan cho mẹ; khi khâm liệm bà nội, mẹ ôm mặt nấc lên, tiếng khóc kìm nén trông đau khổ tột cùng; sau thì bà phải lo bao việc. Tiễn biệt bà nội rồi, mẹ buồn lắm. Nhiều đêm chị thức giấc thấy mẹ ngồi bất động, đăm đắm nhìn bàn thờ nghi ngút khói hương rồi thở dài. Sau lễ bốn chín ngày của nội, mẹ gọi mấy cô lại, nghiêm sắc mặt và hạ giọng. Bà nói vài câu rồi bất ngờ chất vấn: “Tôi hỏi các cô, nếu ai cũng chỉ khóc thì lấy ai tỉnh táo lo cho mẹ!?”. Ba cô bối rối nhìn nhau, càng bối rối hơn khi thấy chị dâu đột nhiên òa khóc tức tưởi.

Người vợ trẻ khao khát tự do rồi cũng có lúc được thỏa lòng khi chỉ vợ chồng bên nhau trong căn nhà rộng. Nhưng nhấm nháp vị ngọt của tự do chưa được bao lâu thì chị phải nếm đắng cay của bất hòa chồng vợ. Đầu tiên là chị oải vì cái tính buông quăng bỏ vãi của chồng, từ phòng ngủ đến phòng tắm hay phòng ăn đều bừa bộn chẳng khác cái lán của công nhân xây dựng là mấy. Chị lặp lại bao lần nhưng anh vẫn không chiều được mong muốn đơn giản của vợ “lấy cái gì chỗ nào để lại chỗ đó”. Vậy nên, thành ghế cũng có thể là chỗ vắt quần áo, lược thì nằm chỏng chơ trên bàn ăn, cốc uống nước lại xếp đầy bàn trang điểm của vợ… Nói không được, chị lại lặng lẽ dọn dẹp; vừa làm vừa bực. Chưa hết, khi vợ bận rộn với chuỗi việc nhà không tên thì chồng vẫn rung đùi, bấm game trên điện thoại hoặc đu đưa theo bạn nhậu hay đá banh quên cả giờ giấc. Bất công lắm đương nhiên bùng nổ nhiều; sau “khẩu chiến” là “chiến tranh lạnh” kéo dài. Dù âm dương cận kề nhưng chẳng hề cuốn hút, lại lạnh nhạt như mặt trăng mặt trời giữa ngày đông tháng giá. Khi chị tưởng bất lực, buông xuôi thì mẹ đến như sứ thần hòa giải.

Từ ngôi nhà nhỏ của mẹ ở thị trấn huyện lỵ lên nhà con trên thành phố mất hơn một giờ ngồi xe buýt nhưng vừa đến nơi là bà đã ra tay. Hết giặt giũ, sắp xếp đồ đạc, lau chùi nhà cửa, bà lại tất bật làm những món ngon hai con đều thích. Suốt bữa ăn, mẹ quay qua con trai con dâu hỏi chuyện, buộc cả hai phải nói với nhau rồi bà bảo đôi trẻ cùng lo cho đứa con sắp chào đời. Đêm đến, bà đuổi con trai vào phòng ngủ với vợ, thế là hòa khí được vãn hồi. Lắm lúc mẹ ngồi giữa như quan tòa, nghe hai con “đấu tố” nhau, bà liên tục ra hiệu cả hai bình tĩnh. Khi đã “xổ” hết ấm ức thì sẽ nhẹ lòng, lời mẹ lại như chất kết dính, khiến vợ chồng trẻ xí xóa, làm lành. Trước khi quay về, bà gọi hai đứa lại giáo hóa từ chuyện chia sẻ việc nhà đến bớt tự ái và mở lòng vị tha để làm cứu cánh cho hạnh phúc gia đình. Chị mừng khi mẹ thường đứng về phía con dâu, để khuyên nhủ chàng dần đổi thay theo hướng tích cực. Và cả chị nữa, sự nghiêm khắc của mẹ cùng những tháng ngày ra riêng đã cho chị dần quen tự tin, tự lập. Lắm khi bà tìm hiểu con từ xa, theo kiểu nghe điện thoại đoán tình hình. Có lúc vừa nghe con dâu mở miệng là bà đón đầu luôn: “Hai đứa có chuyện gì đúng không?”. Con có thể giả đò, chối quanh nhưng mẹ vẫn khẳng định: “Mẹ biết rồi!”. Thế là bà lại vượt dặm dài lên với con. Nhờ vậy, tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ giữ được thăng bằng sau bao chao đảo.

Khi con sinh nở, mẹ lên chăm gần hai năm cho tới lúc cháu đi nhà trẻ. Không chỉ giặt giũ, cơm nước, nhiều đêm bà ôm cháu ru nựng để con được ngon giấc. Bà bảo con từ tư thế ngồi cho bú đến cách mát-xa cho bé hay những thảo dược thường dùng khi trẻ đau ốm. Bà nội thương cháu nhưng chị cảm nhận cách thể hiện tình cảm của bà không lộ thiên như thường thấy. Chẳng những không chiều cháu quá mức mà đến nụ hôn bà cũng dè sẻn; thường hôn khi cháu đã ngủ rồi ngồi ngắm mãi không thôi. Lúc cháu còn nhỏ, bà thường để nó nằm chơi rồi ngủ, lớn lên một chút thì cho tập đi, có khi ngã dúi dụi nhưng bà cứ để nó tự đứng lên; chẳng cuống quýt, xuýt xoa. Giải thích lý do ít bồng bế cháu, bà bảo: “Để cho nó quen tự lập đi.” Khi cháu cầm được cái thìa là bà cho nó tự xúc ăn, lúc đầu thìa được thìa mất, mặt mũi dính đầy cơm nhưng thằng nhỏ vẫn tự thân vận động, trước sự cổ vũ nhiệt liệt của bà.

Giờ thì tuần nào mẹ không lên phố, con lại về quê. Chẳng biết tự khi nào, khoảng cách giữa hai người đàn bà trong nhà biến mất. Nếu bận, chỉ có thể về với mẹ chốc lát, chị cũng hăm hở lên đường. Thấy mẹ đã nghỉ hưu lại hay đau, con mời mẹ lên phố ở cùng. Chẳng chút đắn đo, bà tươi cười gật đầu; lặng một lúc rồi giãi bày: “Trước đây, mẹ rất muốn sống gần để đỡ đần cho các con nhưng sợ hai đứa ỷ lại nên phải cho ra riêng. Nay các con đã tự lập, lại hòa hợp, mẹ mừng lắm!”. Hóa ra mẹ già nhìn con vào đời cũng chẳng khác lúc trẻ thấy nó tập đi, tuy lặng lẽ cách ra một quãng để con tự bước nhưng mắt vẫn dõi theo, không rời.

Chị thêm một lần bất ngờ khi nghe: “Biết con là út, được cưng chiều từ nhỏ nên ngay khi con “bơ vơ” mới về làm dâu, mẹ cố bày vẽ chỉ bảo, những mong con hoàn thiện mình. Nhưng chắc có lúc con thấy khó chịu!?”. Lời nói cùng nét mặt người mẹ toát lên áy náy, có vẻ mong được thông cảm. Thay vì thỏa mãn khi được vuốt ve, chị bối rối, hổ thẹn bởi từng hoài nghi lòng mẹ thương con khi bà sớm cho con ở riêng, lại quá nghiêm khắc với con dâu.

Nghĩ về mẹ, chị liên tưởng câu thơ của Hen-rích Hai-nơ miêu tả tình yêu đích thực, với vẻ ngoài có thể lạnh lùng như đông tàn nhưng bên trong nồng nàn như nắng hạ: “Đông thì về trên má/Nhưng hè nằm trong tim”. Chị thầm xuýt xoa và tự trách, sao chậm nhận ra điều sâu thẳm nơi lòng mẹ để rồi phí hoài bao ngày vui khi được sống cùng nhau.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT