Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh
Ông có thể nói về “bức tranh chung” của ngành NH trên địa bàn từ đầu năm đến nay?
Thời gian qua, ngành NH có tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng này rất thấp so với mọi năm. Thậm chí, những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng còn âm. “Bức tranh” trên đặt ngành NH trước nhiều khó khăn thách thức trong hoàn thành mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu…
Tăng trưởng tín dụng chậm là điều khó tránh khỏi, song ngành NH đã có những chính sách nào để hỗ trợ khách hàng giảm bớt khó khăn do dịch COVID-19?
Chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng DN là chủ trương xuyên suốt của ngành NH không chỉ trong những tháng vừa qua mà từ khi triển khai Chương trình kết nối NH-DN năm 2014. Chỉ tính riêng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, toàn tỉnh đã có 771 khách hàng, trong đó 108 DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dự nợ được cơ cấu là 927 tỷ đồng; 2.157 khách hàng được miễn giảm lãi, hạ lãi suất với dư nợ 2.530 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn giảm 4,6 tỷ đồng. Ngoài ra, 1.375 khách hàng được cho vay mới để khôi phục sản xuất, với doanh số cho vay từ khi công bố dịch đến ngày 17/7/2020 là 5.716 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5%/năm so với trước dịch, dự nợ hiện tại 3,961 tỷ đồng.
Nhiều DN cho rằng, các chính sách hỗ trợ của NH chưa thật sự phát huy được hiệu quả, việc tiếp cận nguồn vốn vay không đơn giản, ông nghĩ sao về điều này?
Các NH cũng là DN và không nằm ngoài những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Nguồn vốn để thực hiện các chính sách, giải pháp ưu đãi hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của ngành NH nói chung cũng như trên địa bàn nói riêng không phải từ ngân sách Nhà nước, mà xuất phát từ nguồn tiền gửi huy động và đặc biệt từ việc tiết giảm chi phí hoạt động, bao gồm cả cắt giảm một phần lương, thưởng của nhân viên. Từ đó, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới của khách hàng. Thế nên, họ cũng có những quy định, cân nhắc với nguồn cho vay là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, ngành NH đang nỗ lực cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Vì thế, NH phải đảm bảo khách hàng sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, đúng đối tượng… và sẽ không hạ thấp các điều kiện, tiêu chuẩn cho vay nhằm giữ an toàn hệ thống, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng, tránh hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế.
Thời gian qua, một số DN có phản ánh không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, chủ yếu do DN không có phương án kinh doanh khả thi, không có vốn tự có cũng như chứng minh được khả năng trả nợ… Do đó, để tiếp cận vốn ưu đãi, các DN cần xây dựng phương án khôi phục sản xuất kinh doanh khả thi.
Theo ông, đâu là khó khăn mà ngành NH phải đối mặt trong thời gian tới?
Việc đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, việc giảm lãi suất và nợ xấu sẽ là “chướng ngại” của ngành trong thời gian tới.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, các NH, TCTD cần phải làm gì, thưa ông?
Tính đến cuối tháng 6, tổng huy động toàn địa bàn đạt 50.315 tỷ đồng, tăng 4,16% so với đầu năm. Ước đến cuối tháng 7/2020, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 50.800 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng của các TCTD đạt 48.287 tỷ đồng, tăng 1,51% so với đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng, kể cả Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị đạt 51.202 tỷ đồng, tăng 1,34% so với đầu năm. Ước đến cuối tháng 7/2020, dư nợ tín dụng đạt 51.800 tỷ đồng, tăng 2,52% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng chậm trong những tháng đầu năm 2020, mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước đây, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu vay vốn của khách hàng, trong đó chủ yếu giảm khoản vay ngắn hạn. |
Để giảm thiểu nợ xấu, các NH phải tuân thủ các chỉ đạo của NHNN trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng vay vốn tại NH. Việc này sẽ khiến các NH phải hy sinh mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra, nhưng “chung lưng” cùng DN, người dân đang gặp khó khăn sẽ giúp họ sớm phục hồi hoạt động, từ đó, không chỉ khách hàng mà cả NH và nền kinh tế sẽ hồi phục bền vững.
NHNN đã có những giải pháp nào trong điều hành nhằm hỗ trợ tối đa cho DN gặp khó khăn trong thời gian tới, thưa ông?
Ngành NH trên địa bàn xác định việc triển khai hiệu các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt trong năm 2020.
Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Phối hợp với các sở, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của DN.
Hiện nay, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong những ngày vừa qua đã phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngành NH trên địa bàn tiếp tục bám sát diễn biến của dịch, thường xuyên theo dõi tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN, cá nhân trên địa bàn.
Khó khăn nhiều, nhưng cũng sẽ có những cơ hội trong phát triển, theo ông đâu được xem là cơ hội của ngành NH trong tình hình dịch bệnh như hiện nay?
Điểm sáng nhất của ngành NH trong thời gian dịch bùng phát chính là đã đón đầu được cơ hội thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Trong những tháng đầu năm, số lượng và giá trị thanh toán qua thẻ, NH trực tuyến hay điện thoại di động đều tăng trưởng mạnh, cùng với đó nhiều sản phẩm mới với nhiều tiện ích được áp dụng…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 239 máy ATM và 1.917 máy POS/EFTPOS/EDC đang hoạt động với 2.409 đơn vị chấp nhận thẻ. Các thiết bị chấp nhận thẻ phân bố tại nhiều địa điểm từ cơ sở lưu trú khách sạn chiếm 25,62%; các siêu thị trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại 20,17%; bệnh viện, trường học 1,31%, các địa điểm khách 52,9%.
Xin cảm ơn ông!
HOÀNG LOAN (Thực hiện)