Anh Huỳnh Văn Khanh đã đổ bao mồ hôi “đầm ma” thành những hồ hoa súng có một không hai ở khu vực miền Trung

Con đường không rải hoa hồng

Khanh đưa chúng tôi ra góc hiên nhà-nơi anh thường uống trà hóng gió biển, và cũng muốn giới thiệu mô hình có một không hai ở Huế.

Trước diện tích hoa súng trùng trùng, điệp điệp, Khanh kể: Nhà nghèo, học xong cấp 3, anh làm đủ nghề rồi xin vào phụ việc cho một nhà trồng hoa và cây cảnh ở Huế. Từ dạo ấy, đam mê hoa súng trong Khanh lớn dần.

Năm 2013, sau khi tìm hiểu được khí hậu đất đai quê nhà, Khanh bắt tay vào trồng hoa súng. Với số tiền ít ỏi dành dụm ban đầu, Khanh không thể mua những cây giống tốt mà chỉ xin giống từ người quen. Do chưa đủ kinh nghiệm, các giống hoa súng Khanh xin về chết dần theo thời gian.

Buồn khi thấy sự khởi đầu bất thành, năm 2015, Khanh rời quê vào tỉnh Đắk Lắk đào giếng thuê để nuôi ý tưởng trồng hoa súng đang dang dở.

Một năm sau từ Đắk Lắk trở về, Khanh lại tiếp cận với hoa súng. Thời điểm này trong tay chỉ có 10 triệu đồng, Khanh xin bố mẹ vay thêm 20 triệu đồng từ ngân hàng qua kênh hộ nghèo để mua thêm phân, giống, chậu...Có chút gọi là vốn liếng, Khanh lần mò gom nhặt thêm những kiến thức từ các mạng xã hội với lời nguyền “ăn, ngủ” với hoa súng.

Thay vì mô hình trồng hoa súng nhỏ lẻ trong chậu như trước đó, Khanh tận dụng quỹ đất của bố mẹ đào hồ lót bạt trồng hoa súng. Để vườn thêm đa dạng về giống lẫn màu sắc, Khanh mạnh dạn nhập rất nhiều giống từ nhiều nơi khác nhau. Sau hai năm bỏ công sức theo hoa súng, đến thời điểm đó, Khanh vừa có hai hồ rộng gần 1.000m2 và hơn 300 chậu xi măng trồng hoa súng. Với giá thời điểm ấy, mỗi chậu hoa súng có giá dao động 100-200 nghìn đồng, bình quân mỗi tháng thời điểm đó Khanh thu về không dưới 30 triệu đồng.

Thấy mô hình có hướng phát triển tốt, cuối năm 2018, Khanh nhiều đêm mất ngủ với quyết tâm tạo sự nghiệp ở quê nhà. Tuy vậy, để triển khai “dự án lớn” cung ứng sản phẩm cho thị trường lớn là không dễ vì đòi hỏi có “mặt bằng” nhất định. Thế là Khanh nảy ra ý định đấu hồ đầm rộng 16.000m2 tại thôn 4 xã Vinh Hải (cũ). Đầm này người dân địa phương thường gọi là “đầm ma” vì hoang hóa. Hồ bị kẹp giữa vùng sình lầy, bên ngoài là dãy phi lao mỏng cạnh biển, chỉ một trận lũ đi qua, tất cả có thể sẽ trôi theo ra biển. Để phục hóa đầm hoang là một khối lượng công việc khổng lồ mà nhiều người cho rằng nội lực như Khanh khó lòng thực hiện.

Khát vọng từ “đầm ma”

Cái nghèo, vất vả ngay từ nhỏ đã dạy cho Khanh muốn thành công phải táo bạo, cương quyết.

“Đầm ma” là vùng nghịch như con ngựa chứng nhưng biết cách là nó thuần. Trước hết là đào hệ thống mương đưa nước vào ngâm sau đó tháo nước ra để vệ sinh, tẩy rửa chất cặn bã lâu ngày tồn đọng. Sau đó, Khanh thuê phương tiện, nhân công đào múc lớp đất trên mặt với độ âm gần 1m, chia thành 11 hồ nhỏ; trong đó 7 hồ được lót bạt để đưa cát, bùn sạch xuống. Các hồ này có hệ thống kết nối ra một mương thoát...

Khanh chia sẻ, nói thì đơn giản nhưng Khanh phải hút cạn đầm, thuê nhân công, phương tiện đắp đê, đào hồ rồi mua gần chục tấn vôi sống đổ xuống, phơi nắng, khử độc... mất gần 1 tỷ đồng, nhưng đêm ngày cứ nơm nớp vì sợ như công dã tràng... Ngay vụ đầu, gần 200 triệu đồng giống hoa súng đưa xuống 3/7 hồ đã phủ bạt lại bị quắn đọt không phát triển. Buồn và lo thắt ruột nhưng không dám chia sẻ cùng ai. Sau đó mới biết độ chua phèn các hồ còn quá cao”.

“Vượt qua bao khó khăn, vất vả, mô hình trồng hoa súng của anh Huỳnh Văn Khanh hôm nay đã thành công. Mô hình góp công giải quyết, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Năm 2018, Khanh là một trong những gương mặt trẻ được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trao giấy khen và Kỷ niệm chương Thanh niên khởi nghiệp, doanh nhân trẻ tiêu biểu”-  Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Giang Hải, huyện Phú Lộc chia sẻ.

“Phóng lao theo lao”, Khanh lại tìm hiểu, chế ngự cái nghịch chứng của “đầm ma” bằng cách đưa vôi xuống, phơi nắng để hoang. Sau một thời gian, Khanh thả cá thiên nhiên vào với mục tiêu là giữ được nguồn nước sạch.

Hiện nay, tại “đầm ma” với 7 hồ phủ bạt với diện tích hơn 10.000 m2 đã phủ kín hơn 100 mẫu hoa súng với 50 màu sắc khác nhau. Ngoài ra chưa kể hàng trăm chậu xi măng trồng hoa súng có đường kính 0,5-1m.

Mỗi sáng thức dậy, Khanh cùng 7 nhân công với công việc đầu tiên là vệ sinh hồ hoa súng, bắt ốc sên, nhặt lá bị thối và kiểm tra mực nước trong hồ. Hoa súng cũng có cơ chế hoạt động như con người, hoa cũng có quá trình thức và ngủ. Hoa sẽ “thức” vào sáng sớm và “ngủ” khi hoàng hôn xuống. Theo lời Khanh, để chăm bón hoa súng cần phải đúng quy trình, kỹ thuật chăm bón, phân, nước, ánh nắng... Nếu bón lượng phân nhiều hay ít cũng không tốt cho cây và hoa, nhất khi thời điểm hoa nở sẽ mau tàn và sắc không thắm.

Hỏi về doanh thu từ hoa súng, Khanh cho hay, hiện mỗi ngày không dưới một trăm đơn đặt hàng xuất đi, mỗi đơn (2 cây) thấp nhất 100 nghìn đồng; cao nhất 300 nghìn đồng và Khanh đã trả lương cho 7 lao động làm việc tại “đầm ma” 7,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Khanh xây dựng đội ngũ bán hàng ở các tỉnh, thành gồm 15 người lương ăn theo tỷ lệ phần trăm từng đơn hàng.

Nắng vãn dần, nhìn đầm hoa súng mênh mông như hiểu ý tôi, Khanh nói nhiều người hỏi bí quyết làm giàu, em trả lời - cần cù chịu học hỏi và phải đổ mồ hôi và nước mắt thực sự. Sắp đến sẽ nhân rộng mô hình trồng hoa súng ở quê nhà có quy mô khoảng 10-15 ha và thành lập công ty hay HTX sản xuất cung cấp hoa súng ra nước ngoài. Tôi nghĩ, với Khanh kế hoạch ấy trong tầm tay...

Bài, ảnh: Minh Văn