Tìm cách gỡ khó cho DN

Tại hội nghị, hầu hết các DN trong cả nước, trong đó có Huế cho biết, bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, thì nhiều khách hàng chọn hủy tour và khi hủy yêu cầu hoàn lại 100% kinh phí.

Riêng tại Huế, lãnh đạo Sở Du lịch thông tin, tổng lượt khách hủy phòng từ đầu tháng 8/2020 tại Huế là hơn 200 ngàn lượt khách, thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Về lữ hành, 228 tour đã bị hủy với 4.113 lượt khách, thiệt hại ước tính hơn 13 tỷ đồng. Tổng thiệt hại về doanh thu du lịch toàn ngành du lịch Huế dự kiến lên đến 1.100 tỷ đồng.

Hội nghị trực tuyến nhằm gỡ khó cho DN và tìm giải pháp kích cầu du lịch trong tình mới

Về việc hoãn, hủy tour, các DN lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn trả tiền đặt cọc dịch vụ cho khách hàng, do kinh phí này đã được DN lữ hành đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến theo chương trình tour.

Trước khó khăn này, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, với nhiều tình huống bất khả kháng, đây là thời điểm mà các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch cần có sự chung tay chia sẻ với nhau vì mục tiêu lâu dài; phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác theo đúng bản chất của ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.

“Các địa phương, DN lữ hành, các hãng hàng không, DN vận chuyển, lưu trú và các đơn vị cung ứng du lịch cần có cái “bắt tay” chặt hơn để giải quyết tốt các vấn đề đặt cọc, hoãn, hủy tour của khách du lịch”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị.

Một thông tin vui cho các DN Huế nói riêng và DN cả nước nói chung, khi tại hội nghị này, đại diện các hãng hàng không, các tập đoàn đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí, khách sạn… đều bày tỏ sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện đảm bảo lợi ích cho DN và khách hàng sử dụng dịch vụ.

Có chương trình kích cầu mới

Về việc phục hồi du lịch, dù dịch bệnh vẫn đang còn diễn biến phức tạp, song các địa phương, DN, các hiệp hội đề xuất cần nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu giai đoạn 2, có tính chất đón đầu khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trước hết, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phát huy là đầu mối dẫn dắt, phối hợp với các hiệp hội, DN xây dựng chương trình kích cầu du lịch trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, các DN cần tập trung hoàn thiện các dịch vụ, phát triển thêm sản phẩm mới.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch, đại diện cho ngành du lịch Huế thông tin đến các DN, đối tác trong cả nước rằng, trước mắt, Huế sẽ tiếp tục triển khai, áp dụng bộ tiêu chí an toàn đối với dịch bệnh trong lĩnh vực du lịch để các cơ sở lưu trú; các khu, điểm du lịch, các DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn tỉnh để các đơn vị đảm bảo an toàn trong khai thác, kinh doanh. Tiếp tục giảm 50% giá vé tham quan các di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý để kích cầu du lịch.

Sở Du lịch chủ động nắm bắt tình hình hoạt động du lịch ở Huế khi dịch bệnh tái bùng phát

“Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho DN như đợt 1 đối với các cơ sở lưu trú, DN kinh doanh dịch vụ du lịch như giảm tiền điện, nước, giảm thuế. Đối với các đơn vị lữ hành, ngoài chính sách thuế cần nghiên cứu cơ chế để tiếp cận các gói vay tín dụng, vì rất ít đơn vị lữ hành có tài sản thế chấp. Miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2020 cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2020 cho các DN kinh doanh du lịch. Gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các DN đến hết quý II/2021”, lãnh đạo Sở Du lịch đề nghị.

Cùng chung đề nghị này của ngành du lịch Huế, các địa phương, DN đề xuất thêm, về giải pháp lâu dài, tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy các hoạt động du lịch.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch khẳng định, từ ý kiến đề xuất của các địa phương, DN, tổng cục sẽ tổng hợp, tiếp tục tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét cho phép triển khai và áp dụng các chính sách hỗ trợ cho các DN, tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch sớm nhất có thể.

“Trong đó tập trung đề xuất chính sách hỗ trợ, điều kiện cho DN du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định các hoạt động du lịch về lâu dài, như cho vay lãi suất ưu đãi để trả lương nhân viên; gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT; cho phép áp dụng chính sách giảm giá điện bán lẻ cho ngành sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được dùng để cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19 đến hết năm 2020 thay vì chỉ 3 tháng như hiện nay...”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Bài, ảnh: Đức Quang