Các nước cần đảm bảo nỗ lực tối đa để vực dậy sau đại dịch. Ảnh minh họa: Dân trí/ VTV.vn

Những biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội đã và đang tác động lớn đến thương mại và việc làm trên toàn cầu. Thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng và nợ nói chung sẽ tiếp tục tăng trên hầu khắp các khu vực. Bất kỳ sự phục hồi nào trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh và niềm tin người tiêu dùng đều có thể bị lu mờ bởi những lo ngại kéo dài về nguy cơ bùng phát các đợt nhiễm mới, cộng với đó là bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.

Trước tình hình này, lãnh đạo các nước và giới chuyên gia nhấn mạnh bất chấp những thách thức ngắn hạn, điều quan trọng là phải ghi nhớ những xu hướng cơ bản tạo nền tảng cho tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nhiều quốc gia đang phát triển.

Nhìn về điểm mạnh, Triển vọng dân số thế giới 2019 của Liên Hiệp Quốc thông tin, đa số nước châu Á mới nổi đều có đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi với dân số trẻ dưới 20 tuổi chiếm hơn 1/3 tổng dân số các nước như các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ và Bangladesh. Ngoài ra, các nền kinh tế khu vực ngày càng có khả năng mang lại sự đổi mới, cùng với sản xuất và dịch vụ cao cấp hơn.

Nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra, COVID-19 có thể thúc đẩy các nước tìm kiếm và triển khai những ý tưởng và công nghệ mới, nhất là khi người tiêu dùng, hộ gia đình tìm kiếm cách thức mới để mua bán, giao dịch, học tập và giao tiếp lẫn nhau...

Từ những yếu tố trên, tóm lại, để đảm bảo tương lai của các nước sau đại dịch, chính phủ các nước cần lưu tâm đến 3 vấn đề trọng tâm lớn:

Thứ nhất, cải thiện môi trường hoạt động tại địa phương, đơn cử như giải quyết tham nhũng, khắc phục hạn chế đối với đầu tư và cải cách thị trường lao động.

Thứ hai, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất thông qua đầu tư. Cụ thể là trong cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, kết nối viễn thông và internet, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đô thị hóa carbon thấp. Tất cả sẽ là chìa khóa để củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn của các nền kinh tế đang phát triển và đối phó với những tiến bộ công nghệ như robot và tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, in 3D.

Quan trọng không kém là tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt quan trọng bởi các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu.

Chỉ trong vòng vài tháng qua, đại dịch COVID-19 đã gây nên thiệt hại về người và của nghiêm trọng. Nhưng giống như mọi cuộc khủng hoảng khác, đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp suy nghĩ và đẩy nhanh chương trình cải cách. Những nước nắm bắt được cơ hội không chỉ mở đường cho nền kinh tế, mà còn củng cố vững chắc các nguyên tắc cơ bản của chính mình.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Jakarta Post)