Phụ nữ đóng vai trò quan trọng và cần được bảo vệ trước, trong và sau dịch COVID-19. Ảnh minh họa: UN/ Báo Quốc tế

Được biết, tỷ lệ phụ nữ nghèo đói, cộng thêm gánh nặng chăm sóc gia đình, cũng như tỷ lệ bạo lực gia đình trong thời điểm dịch bệnh chứng kiến mức tăng đến 33%.

Trước vấn nạn này, các tổ chức quốc tế và các nhà nữ quyền kêu mở ra giai đoạn bình thường mới về bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ, đẩy mạnh phát triển tương lai của phụ nữ và trẻ em gái sau đại dịch và nhận thức rõ rằng thế giới phải đặt phái nữ vào trung tâm của chính sách phản ứng với đại dịch.

Để thực hiện được mục tiêu này, các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự phải đánh thức Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 5 về bình đẳng giới và kết hợp nhiều yếu tố liên quan để biến thế giới sau đại dịch trở thành một thế giới bình đẳng.

Đầu tiên, các nước cần rèn luyện khả năng quản lý thiên tai, quản lý chiến lược và thể chế ứng phó nhân đạo theo giới. Các quốc gia phải tiếp nhận, kết hợp nhu cầu và quan điểm của phụ nữ, cũng như thúc đẩy sự tham gia, lãnh đạo của phái nữ vào nhiều khía cạnh.

Không dừng lại ở đó, các nước phải cho phép trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em gái để hưởng lợi và đóng góp cho một thế giới bình đẳng với sự góp mặt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thế giới số hóa. Trong đó, phụ nữ phải được tạo điều kiện để thích ứng và hưởng lợi từ các công nghệ 5G và công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, công nghệ Robot, và kể cả số hóa trong việc làm, học tập...

Ngoài ra, cần đảm bảo khả năng tiếp cận của phái nữ đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, giá cả phải chăng trước, trong và sau khi đại dịch đã qua. Cụ thể, trong các đại dịch và khủng hoảng trước đó, những hành động ứng phó khẩn cấp đã tước đoạt và làm mất đi các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của họ. Do đó, khi thế giới ứng phó với đại dịch COVID-19, việc tài trợ và đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục, sinh sản bao gồm các biện pháp tránh thai hiện đại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh an toàn, cũng như dịch vụ y tế từ xa phải được ưu tiên.

Theo thông tin trên trang World Economic Forum, phụ nữ chiếm đến 70% lực lượng y tế nói chung và chiếm phần lớn trong đội ngũ y, bác sĩ tại tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19. Chính vì lý do này, họ phải được đảm bảo bảo vệ, hỗ trợ phù hợp. Điều này bao gồm đảm bảo điều kiện việc làm, trang thiết bị đầy đủ, an toàn, trả lương phù hợp.

Bên cạnh những đề xuất trên, chính phủ các nước cũng cần bảo vệ cơ hội kinh tế của phụ nữ, cân bằng chuẩn mực về giới trong nhiệm vụ chăm sóc gia đình... để thúc đẩy bình đẳng giới và duy trì vai trò bình đẳng của phụ nữ trong cuộc sống trong mọi thời điểm.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Khmer Times & Weforum)