Theo bà Nguyễn Thị Sửu, xuất phát điểm của A Lưới thấp do đây là vùng biên giới, có những đặc thù khi có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, cần tiếp tục có những giải pháp phù hợp để phát triển trong tình hình mới.

Bà Nguyễn Thị Sửu, TUV, Bí thư Huyện ủy A Lưới

Xin bà chia sẻ rõ hơn về những vấn đề nhiệm kỳ vừa qua lãnh đạo Huyện ủy còn trăn trở?

Trăn trở lớn nhất là việc giảm nghèo bền vững như chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân giảm 4%, nhưng nếu rà soát sâu, số lượng hộ đã thoát nghèo lại có nguy cơ tái nghèo và tái cận nghèo. Lý do là người dân không có nền tảng thu nhập ổn định và chưa có sự đổi mới đồng bộ về mặt tư duy.

Trăn trở khác là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). A Lưới hiện có 4 xã đạt chuẩn NTM.

Điều lãnh đạo huyện quan tâm là làm sao đã đạt thì không bị tình trạng tụt tiêu chí, lo nhất vẫn là thu nhập. Thu nhập là nền tảng, nếu thu nhập không đáp ứng nhu cầu thiết yếu dễ dẫn đến tái nghèo và nhiều bất ổn về an ninh trật tự.

Huyện ủy đề ra những giải pháp đột phá gì trong nhiệm kỳ sắp tới?

Huyện ủy đề ra 3 khâu đột phá tập trung xây dựng cho nhiệm kỳ tới. Thứ nhất là phát huy nội lực của người dân, từ tư duy đến hành động. Trong chương trình giảm nghèo bền vững, đã có nhiều hộ dân tự giác đăng ký thoát nghèo và thành công.

Bên cạnh đó, phát huy nội lực về tư duy tổ chức sản xuất, tư duy phát triển nông nghiệp, tập trung sản xuất kinh doanh và phát huy thế mạnh các nghề truyền thống.

Đột phá thứ hai là phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao mà quan trọng là phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học hữu cơ. Huyện đang kết nối với Tập đoàn Quế Lâm như một điểm tựa. Đồng thời, sẽ ký kết với nhiều doanh nghiệp không chỉ trong sản xuất mà còn chế biến nông sản.

Đột phá thứ ba là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức người dân tộc thiểu số nói riêng và toàn huyện nói chung để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ứng với các khâu đột phá trên, Huyện ủy có chương trình trọng điểm, đề án nào, thưa bà?

Chúng tôi có hai chương trình trọng điểm lớn. Thứ nhất là giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo của chúng tôi vẫn cao nhất tỉnh. Hiện nay cả hộ nghèo và cận nghèo trên 33% và phấn đấu hằng năm giảm 3% bình quân theo tiêu chí mới. Chương trình thứ hai là phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.

Chúng tôi cũng xây dựng các đề án nằm trong các chương trình hành động. Trong đó có những đề án lớn: Đề án giảm nghèo bền vững gắn với Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Đề án về phát triển đô thị A Lưới gắn với Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của tỉnh về thực hiện xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương; Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức; Đề án phát triển du lịch toàn diện và kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp…

Để những đề án, chương trình trọng điểm đó đi vào thực tiễn, Huyện ủy có những giải pháp gì?

Bằng chương trình hành động sẽ có sự phân cấp, phân quyền, giao đầu mối phụ trách cụ thể.

Trên chương trình hành động, sẽ cụ thể hóa bằng lộ trình thực hiện cho giai đoạn và từng năm để thực hiện hiệu quả.

Minh Tâm (thực hiện)