Ở mọi thị trường, thường trong những cơn biến động phi mã, hễ có người thắng là có kẻ thua. Những người mua vào (người mua), với mức giá chênh lệch so với bán ra (người bán) từ 2 -3 triệu đồng một lượng, nghĩa là ngay khi mua đã chịu lỗ đến chừng ấy nếu bán lại. Những người thua lỗ là những người không rút chân ra kịp nếu đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Kể cả những người đầu tư dài hạn cũng chưa biết thế nào, bởi giá vàng còn có những biến động khó lường.
Giao dịch vàng trong những ngày giá vàng biến động. Ảnh: Q. Thiều
Không ít nguyên nhân cho những đợt biến động giá vàng được nhiều nhà phân tích đưa ra như – chênh lệch cung cầu, kênh đầu tư trú ẩn, thậm chí là tình trạng “bọ vàng” (chỉ những quỹ đầu tư lớn đầu tư vào vàng tạo ra sóng)… Thì có một nguyên nhân khó chối cãi đó là tác động của dịch bệnh COVID-19.
Riêng ở Việt Nam, có vẻ như điều này được nhận diện rõ nhất. Hồi tháng 2 vừa qua (tạm gọi là đợt dịch COVID-19 thứ nhất, vì sau đó dịch bệnh được khống chế trong nhiều tháng không có ca mắc mới và lại bùng lên vào cuối tháng 7 mới đây) giá vàng cũng có một đợt biến động mạnh.
Sau nhiều năm giá vàng yên ắng, chỉ dao động trong một biên độ rất hẹp. Giá vàng cứ tăng nhảy vọt, đỉnh điểm đạt vào vào tối ngày 24/2, Giá vàng SJC trong nước cũng đạt 49 triệu đồng/ lượng. Sau thời gian biến động, nó giữ mức như vậy và ít ai chú ý đến vàng nữa thì bước qua đầu tháng 8 (đợt dịch thứ hai) giá vàng lại lặp lại một “đợt giật” mới ở mức cao hơn, với biên độ mua vào bán ra chênh lệch cao hơn.
Trên thị trường, có người đã bán tháo một lúc cả hàng trăm lượng, cũng không biết họ chốt lời hay cắt lỗ? Nhưng rõ ràng có vẻ như bắt đầu một cuộc tháo chạy khỏi vàng. Bằng chứng cho thấy, giá mua vào của những nhà kinh doanh vàng đưa ra chênh lệch với giá bán ra rất cao.
Thôi thì, tất cả mọi cuộc biến động về giá đều có kẻ thua người thắng. Đó là chuyện bình thường của thị trường – “có gan làm giàu”! Chắc chắn những nhà đầu tư chuyên nghiệp là người ít thua nhất vì họ có cả những công cụ phân tích xu hướng thị trường và họ có cả nghệ thuật để kinh doanh để bước chân vào và rút chân ra khá hợp lý. Giả sử họ có bán tháo để cắt lỗ thì rất có thể họ đã thắng đậm khi sự biến động đầu sóng? Chỉ ái ngại cho những người “tát nước theo mưa”, “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”. Những người này tuy số lượng giao dịch không nhiều nhưng nếu tính tổng trên thị trường thì có lẽ là một con số không hề nhỏ.
Có lẽ bài học rút ra ở đây là người tiêu dùng, nhất là những người mua bán không chuyên nghiệp phải hết sức thận trọng với những cơn biến động giá.
Cách đây chừng 2 năm, sau hơn 10 năm (chính xác là kéo dài 13 năm) Huế chứng kiến một cơn sốt đất. Giá một số nơi cứ tăng vọt hàng ngày, thậm chí hàng giờ mà chúng ta khó có thể lý giải được nguyên nhân. Đất nền ở nhiều khu qui hoạch cứ tăng vùn vụt. Từ những khu vực giao dịch sôi động nhất đã lan tỏa ra cả thị trường. Và trong thời điểm hiện tại, có thể nói giá đất đang “lạnh” dần. Tuy giá chưa xuống hẳn nhưng lượng giao dịch trên thị trường ít đi rất nhiều. Đối với thị trường bất động sản, thường sau những đợt tăng vọt, khi sóng đi qua (nghĩa là người giao dịch ít đi), đất vẫn neo giá chứ không tụt dốc ngay một lúc. Đến một thời điểm nào đó không thể neo giá được nữa thì giá đất sẽ đi xuống và dễ rơi vào tình trạng đóng băng. Điều này ở Huế đã từng chứng kiến như nêu ở trên.
Vàng cũng thế mà bất động sản cũng thế, những biến động nó rất dễ tác động đến sự phấn khích của thị trường. Dễ chết nhất là những người làm liều đi vay tiền để tham gia thị trường.
Nguyên Lê