Cô Lê Thị Thu Hằng kiểm tra từng bữa ăn của các em học sinh tại trường DTNT Nam Đông

Để đi học, Hằng phải xa nhà ở Hồng Tiến (Hương Trà) để lên A Lưới từ khi học tiểu học. Cuộc sống xa nhà có lúc Hằng muốn bỏ học, nhưng với sự động viên của gia đình, nhà trường, Hằng là một trong số ít những cô bé Hồng Tiến về Huế học Trường DTNT tỉnh, rồi sau đó vào Nha Trang học lớp dự bị đại học.

Cô Hằng kể: “Mình đi học vất vả lắm, nhưng cái may của mình là có một người mẹ quan tâm đến việc học của con cái. Mẹ đã động viên rất nhiều để mình không bỏ học nửa chừng, cũng như đã vun đắp ước mơ trở thành cô giáo”. Là người dân tộc Pa Hy, cô hiểu rõ những khó khăn của học sinh vùng cao và luôn mong muốn giúp đỡ các em vượt qua được những khó khăn ấy.

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục công dân (Đại học Sư phạm Huế), cô Hằng nhận công tác tại Trường THCS thị trấn A Lưới. Công tác tại đây 4 năm rồi theo chồng và chuyển về Trường THCS DTNT Nam Đông. 10 năm gắn bó với trường, cô từng bước trưởng thành...

Vào đại học, mình thật sự “shock” khi lớp 53 sinh viên chỉ mỗi mình là người dân tộc - cô Hằng nhớ lại -  kiến thức lại chẳng thể so sánh được với các bạn người Kinh. Năm học đầu, cô đã nhiều lần nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng nhờ sự động viên từ mẹ, cô đã cố gắng. “Trong quá trình học, không chỉ gia đình ủng hộ mà cả thầy cô trong khoa cũng đã giúp mình rất nhiều. Khi ra trường, mình cũng chỉ muốn dạy học và giúp đỡ các em học sinh, nhất là học sinh dân tộc như mình chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc có thể trở thành hiệu trưởng”.

Những ngày đầu vào nghề, cô giáo trẻ đã phải nỗ lực rất nhiều để làm tốt công việc giảng dạy... Cô Hằng nói, sự “yếu thế” (là người dân tộc thiểu số) khi đi học lại là thế mạnh khi đi dạy”, khi cô luôn được các em tin yêu, hỗ trợ trong dạy và học nên chất lượng các lứa học sinh cô dạy rất tốt. “Đó cũng chính là thành tích lớn nhất mà mình được ghi nhận khi còn đứng lớp. Khi bắt đầu làm công tác quản lý, mình vẫn giữ cho bản thân ngọn lửa yêu thương và chia sẻ với các em và đồng nghiệp...”.

Học sinh dân tộc thiểu số đến nay vẫn chưa bằng học sinh vùng xuôi ở chỗ ít được gia đình quan tâm. Vì thế, nhiệm vụ của nhà trường không chỉ dạy và dỗ học sinh mà đôi khi còn “dỗ” cả phụ huynh. Phải giữ được các em ở trường, tập cho các em chủ động trong học tập là trách nhiệm mà cô Hằng đề ra cho bản thân, cũng như là yêu cầu đối với các thầy cô trong trường. Không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh, điều lớn hơn là sau khi các em học được điều hay, điều đúng, các em phải trở về và  giúp ba mẹ của mình cùng hiểu được những điều ấy - cô Hằng chia sẻ.

Trong công việc cô cũng có nhiều niềm vui. Nhớ lại một lần vào năm 2017, khi mới làm quản lý, trong một lần kiểm tra bếp ăn học sinh, một em đã chạy tới cám ơn cô, vì “từ khi cô lên quản lý, chúng em được quan tâm nhiều hơn từ ăn uống đến học hành, vui chơi”. Đây chính là động lực lớn nhất để cô giáo Thu Hằng tiếp tục cố gắng trong công việc.

Việc giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số luôn là một vấn đề khó khăn khi gặp nhiều rào cản về cả thể chất, tâm lý, kỹ năng và cả ngôn ngữ khi với phần lớn các em, tiếng Việt lại là ngôn ngữ thứ hai nên các em gần như phải học “song ngữ”. Học sinh người dân tộc thường còi cọc, suy dinh dưỡng nên bữa ăn của các em Trường DTNT Nam Đông luôn được đặc biệt quan tâm. Tâm lý nhút nhát, sợ hãi, ngại giao tiếp với người lạ, là rào cản lớn trong tiếp thu kiến thức và kỹ năng sống cũng được cô Hằng nhắc nhở từng giáo viên phải tháo dỡ để gần gũi các em… Và đó chính là thành công của cô giáo Hằng trong công tác chuyên môn cũng khi làm quản lý.  Ông Lại Quốc Trình, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Đông khi nói về nữ Hiệu trưởng Trường DTNT Nam Đông đã rất tự hào: “Cô Hằng là một người có trách nhiệm với công việc lại có tính sáng tạo cao, rất sự tâm huyết với học sinh và dám chịu trách nhiệm. Nhờ vậy nên chất lượng dạy và học của trường cô quản lý đã có chuyển biến nhanh”

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu