Hiểu theo con số là đúng như vậy. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm: do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nền kinh tế bị chững lại, dòng chảy của hàng hóa đình đốn nên xăng dầu nhập về ít hơn. Và nữa, giá xăng dầu cũng “xuống đáy” nên chúng ta tưởng số lượng nó ít.

Song, nói gì thì nói, con số nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cũng làm cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn về bức tranh nông nghiệp của chúng ta – có vẻ như không có thuốc bảo vệ thực vật là khó sản xuất được? Nó khác hẳn với cái thời cách đây mấy mươi năm, không có khái niệm thuốc trừ sâu, trừ cỏ là gì. Ai dám chắc rằng, với một nền nông nghiệp dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật như vậy, nó có khác gì chúng ta đầu độc chúng ta.

Cũng cần nói thêm, những nước văn minh, thị trường khó tính, việc kiểm soát chất lượng hàng nông sản là hết sức chặt chẽ. Các loại hàng nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, còn tồn đọng dư lượng kháng sinh không dễ gì vào được thị trường của họ. Thế thì số lượng hàng hóa không đảm bảo chất lượng, kém an toàn với sức khỏe con người đi đâu? Chắc chắn là đi vào những thị trường dễ tính, đi bằng con đường tiểu ngạch là chủ yếu. Và kể cả thị trường nội địa. Lâu lâu chúng ta thấy ngành chức năng phát hiện các vụ cà phê bẩn, dùng hóa chất ủ các loại trái cây cho chín đồng đều. Hàng ngàn chợ xép, chợ lưu động mọc lên khắp nơi, nào ai biết thứ nào đảm bảo chất lượng và thứ nào không? Thứ nào còn dư lượng kháng sinh và thứ nào không… Nó giống như một rừng đánh đố đối với người tiêu dùng.

Cho nên chúng ta thấy, những thuật ngữ tạo lên một chút hy vọng nơi người sử dụng là: “hàng nhà tự làm”; “cà phê sạch, nước mía sạch”; “gạo hữu cơ, rau hữu cơ”… Để được sạch trong thời buổi hiện nay chưa chắc gì dễ! Nó sạch phải là đất sạch, nguồn nước sạch, thậm chí là không khí sạch. Anh làm rau ở cuối nguồn nước ngọt, nguồn nước này chảy qua bao nhiêu làng quê với khônng ít chất thải và nước thải, lấy gì đảm bảo là sạch? Có ai lấy mẫu nước xét nghiệm định kỳ thử là nguồn nước đó có nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại nặng, nhiễm hóa chất?

Nông nghiệp công nghệ cao (nghĩa là kiểm soát được nhiều yếu tố) ở chúng ta chưa phổ biến. Làm nông nghiệp cũng chủ yếu theo lối truyền thống. Chung quanh mọi người phun thuốc bảo vệ thực vật, anh có không muốn phun cũng chẳng được. Trước đây, mô hình canh tác theo phương thức IPM (sử dụng thiên địch để bảo vệ thực vật) đến nay không hiểu vì sao không nghe nhắc tới nữa. Làm một sào lúa có nhiều loại chi phí, trong đó có một loại chi phí không thể thiếu là thuốc trừ sâu bệnh. Bữa nay lại thêm một loại thuốc nữa – thuốc trừ cỏ.

Con người chúng ta cố gắng sản xuất ra thật nhiều lương thực. Và rồi cũng chính con người chúng ta lãng phí vô cùng. Một số liệu do FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc) cho biết, mỗi năm loài người lãng phí khoảng 1/3 số lượng lương thực được sản xuất ra, tương đương với 1,3 tỷ tấn. Đất đai, nguồn nước, không khí… đủ loại phải “gồng mình” để sản sinh ra một lượng lương thực khổng lồ, để rồi con người chúng ta lãng phí. Và hậu quả là môi trường ngày càng xấu đi và rồi, chính con người chúng ta phải hứng chịu!

LÊ PHƯƠNG