Một góc không gian quán cà phê của nhà thơ Bạch Diệp ở trên đường Lương Thế Vinh. Ảnh: B.D

Đó có thể là tác phẩm nghệ thuật mà gia chủ sở hữu, nhưng cũng có thể là tác phẩm mà họa sĩ hoặc bạn bè thân thiết cho mượn để treo. Những tác phẩm ấy có bức chỉ vài triệu đồng, nhưng có bức lên tới vài trăm triệu đồng.

Nằm trên đường Nguyễn Huệ, không gian quán cà phê Hoàng Hạc không chỉ nổi tiếng bởi vị trí đắc địa, mà còn bởi gia chủ là một người không hề xa lạ trong giới nghiên cứu văn hóa Huế - ông Nguyễn Hữu Châu Phan. Ngoài niềm đam mê vô tận với sách, tranh cũng là một trong những “món đồ” mà ông đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu và sưu tập. Có những tác phẩm ông đã thốt lên một cách sung sướng khi được sở hữu. Cũng có những tác phẩm của bạn bè, nhưng vì quý mến tình cảm cho ông mượn về treo trong không gian quán cà phê của chính mình.

Một tác phẩm hội họa được trưng bày ở cà phê Hoàng Hạc. Ảnh: N. MINH

Có thể kể đến những tác phẩm vẽ thiếu nữ của họa sĩ Đinh Cường, phố của họa sĩ Trần Văn Mãng, hay cuộc sống đời thường của họa sĩ Phạm Lực. Ngoài ra, còn có một vài tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Trần Hữu Nhật… Tất cả được treo trong một không gian phòng có hệ thống điều hòa, ở những vị trí mà mọi vị khách khi đặt chân vào có thể chiêm ngưỡng một cách rõ nhất. Đó là cách mà ông muốn chia sẻ những tác phẩm hội họa ấy đến với những người có chung sở thích, nhưng không có nhiều cơ hội thưởng lãm.

Nhờ thế có rất nhiều người thường tìm đến không gian này, không chỉ để thưởng thức ly cà phê mà xem đó là một phòng tranh triển lãm, được đắm chìm trong những tác phẩm hội họa. “Càng ngắm mình càng thích những tác phẩm hội họa ấy. Nếu gia chủ không hào sảng, và kín tiếng thì chắc gì mình có cơ hội thưởng thức những bức tranh đáng quý của các họa sĩ tiếng tăm”, anh Nguyễn Hoài Tâm – một người mê hội họa thường đến không gian này chia sẻ.

Có một không gian tương tự, nằm trên đường Lương Thế Vinh, TP. Huế. Đó là không gian quán cà phê Sonata ấm cúng của chị chủ có tính cách nhẹ nhàng, kiêm nhà thơ – Bạch Diệp. “Mình mở ra vừa để kiếm thêm đồng ra đồng vào, vừa thỏa niềm đam mê của bản thân”, chị Diệp nói về lý do ra đời không gian nghệ thuật của riêng mình, được mọi người biết đến từ nhiều năm qua.

Gần như khách dừng ở không gian này là khách quen và có niềm đam mê với tranh. Vừa đặt chân vào, ai cũng sẽ không khỏi bất ngờ với hàng chục tác phẩm hội họa với màu sắc sang trọng, vô cùng ấn tượng. Những bức tranh ấy với nhiều kích cỡ khác nhau của nhiều tác giả được treo và bài trí ánh sáng một cách hợp lý, càng nhìn càng bị mê hoặc. Trong số rất nhiều tác phẩm ấy, một số ít của chị sưu tập, phần nhiều của các họa sĩ gửi bán.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên được treo ở không gian cà phê Sonata. Ảnh: NHẬT MINH

Có lẽ ấn tượng nhất, đó là một loạt tác phẩm của họa sĩ “vạn đò” Nguyễn Văn Tuyên – nổi tiếng với lối vẽ như… “không vẽ” và gam màu “nhẹ như không”. Ở đó, bên ly cà phê buổi sáng sớm hay chiều muộn, mọi người sẽ bắt gặp một sông Hương du dương, làng vạn chài và những con đò lênh đênh của một miền ký ức Huế xa xăm. Vì bị mê hoặc bởi những tác phẩm đó, mà nhiều khách cà phê quen của chị Diệp đã “ám ảnh” và quyết sưu tầm cho bằng được.

“Ban đầu mình chỉ đến để uống cà phê. Nhưng không ngờ khi vừa bước vào quá mới giật mình thấy một “Huế” thu nhỏ với những tác phẩm tuyệt mỹ. Tôi từng sống từ nhỏ ở quê, nên khi nhìn vào những bức tranh ấy bao kỷ niệm ùa về”, anh N. H. H. (TP. Huế) chia sẻ. Cứ thế, rảnh rỗi anh H. lại tìm đến không gian này để vừa uống cà phê, vừa thưởng tranh. Càng ngắm, càng thấy nhớ ngày xưa cũ, anh H. đã quyết định “cưới” một vài tác phẩm trong không gian cà phê này về nhà mình.

Không ồn ào, náo nhiệt, những không gian cà phê tranh ấy như đưa những vị khách đam mê hội họa được thỏa niềm vui. Ngắm nhìn những tác phẩm mình yêu thích bên cạnh ly cà phê cũng là cách khởi đầu cho một buổi sáng, hoặc tìm một chút thư thái, bình yên bên gia đình, bè bạn. Chính những không gian ấy còn tạo nên một nét đẹp, một “kiểu chơi” rất Huế!

NHẬT MINH