Ảnh minh hoạ: TTXVN

Cụ thể, nghiên cứu của SAP và Công ty Tư vấn Tài chính Oxford Economics được công bố vào ngày hôm nay (14/8) đã tiến hành khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp từ khu vực châu Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương về các ưu tiên, thách thức và sự phát triển đầy đủ về kỹ thuật số của họ.

Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 27/2 đến ngày 30/4 cho hay, trong số các doanh nghiệp SME ở châu Á - Thái Bình Dương đã phản hồi về tác động của đại dịch COVID-19, 77% khẳng định họ đã có sự điều chỉnh đối với việc sắp xếp công việc từ xa đối với nhân viên nhằm phản ứng với đại dịch. Trong khi đó, 75% doanh nghiệp ở châu Âu và 71% doanh nghiệp ở châu Mỹ cho biết họ đã làm điều này.

Các doanh nghiệp SME của Singapore và các doanh nghiệp ở Ấn Độ có cùng tỷ lệ phản hồi về vấn đề này, ở mức 73%; đứng sau Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc; trong đó, Philippines dẫn đầu bảng xếp hạng với 89%.

Các giải pháp cộng tác và công nghệ thông tin là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp SME ở Singapore, khi 73% trong số đó cho biết họ đã đầu tư vào các giải pháp này để truy cập từ xa và/hoặc nghiên cứu trực tuyến. Tỷ lệ các doanh nghiệp SME đã đầu tư như vậy ở châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu lần lượt là 72%, 69%, và 68%.

Các doanh nghiệp SME ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tích cực khám phá những cách thức mới để tiếp cận khách hàng, ở mức 66%, so với 65% doanh nghiệp ở châu Mỹ và 59% doanh nghiệp ở châu Âu. Khoảng 46% doanh nghiệp SME ở châu Á - Thái Bình Dương và 45% doanh nghiệp ở Singapore đang phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, thấp hơn 49% của châu Âu, nhưng cao hơn 40% của châu Mỹ.

Những lĩnh vực mà các doanh nghiệp SME Singapore cho rằng bị ảnh hưởng đáng kể thường xuyên nhất bởi đại dịch là khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giành được công việc kinh doanh mới và hoạt động hết công suất.

Ông Edward Cone đến từ Công ty Oxford Economics nhận định: “Các doanh nghiệp SME trong khu vực, giống như các đối tác của họ trên khắp thế giới, có lợi thế nhất định so với những đối thủ cạnh tranh lớn hơn về sự nhanh nhẹn và gần gũi với khách hàng". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, các doanh nghiệp SME ở châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức trong việc theo kịp tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Kết quả khảo sát tổng thể cho thấy, 39% trong số 832 doanh nghiệp được hỏi từ khu vực này đã đạt được tiến bộ khiêm tốn đối với chuyển đổi kỹ thuật số, trong khi 21% đạt được tiến bộ đáng kể hoặc chuyển đổi hoàn toàn. Khoảng 19% doanh nghiệp dự kiến ​​sẽ chuyển đổi hoàn toàn trong vòng 3 năm. Trong đó, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực nhân sự và quản lý nhân tài (66%), quản trị và an ninh mạng (63%), tài chính và quản lý rủi ro (59%).

Tuy nhiên, họ phải đối mặt với những thách thức nội bộ chính bao gồm nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động hiện tại (30%), thiếu sự phối hợp giữa các bộ phận (29%), và không đủ khả năng hiểu biết sâu sắc từ dữ liệu (29%). Các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với những thách thức bên ngoài, như mong muốn và nhu cầu của khách hàng đang thay đổi (40%), cạnh tranh từ các tổ chức lớn hơn (39%) và thích ứng với thị trường thay đổi nhanh chóng (27%).

"Trạng thái bình thường mới của ngày nay đòi hỏi các doanh nghiệp phải tập trung và thích ứng với tốc độ nhanh. Các doanh nghiệp SME trong khu vực dường như hiểu rằng, việc nhận thức về sự khẩn cấp để chuyển đổi kỹ thuật số doanh nghiệp của họ sẽ mang lại lợi thế vượt qua đại dịch và hơn thế nữa. Với việc áp dụng chiến lược doanh nghiệp thông minh, các doanh nghiệp SME có thể thiết lập một lõi kỹ thuật số, sẽ cung cấp năng lượng cho toàn bộ tổ chức", ông Claus Andresen, Phó Chủ tịch Cấp cao, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tổng hợp và tăng trưởng thị trường mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản tại Công ty SAP nhấn mạnh.

Lê Thảo (Lược dịch từ Business Times)