Công ty CP Xi măng Đồng Lâm tiến hành kiểm tra và xử lý một hố sụt lún trên cánh đồng thuộc xã Phong Xuân, Phong Điền
Ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt
Nhiều năm nay, các hộ dân sinh sống ở thôn Xuân Điền Lộc, Xuân Lộc (xã Phong Xuân), gần khu vực mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm, liên tục ghi nhận hàng loạt hố sụt lún tại khu vực ruộng, vườn nhà đang canh tác, sinh sống.
Mới đây nhất, các hộ dân sống xung quanh mỏ đá vôi Phong Xuân đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng đề xuất giải quyết việc khai thác mỏ đá vôi và vận chuyển nguyên liệu của Nhà máy xi măng Đồng Lâm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Đầu tháng 7/2020, UBND huyện Phong Điền cùng lãnh đạo Công ty Đồng Lâm đã có buổi làm việc, đối thoại với các hộ dân về các vấn đề liên quan đến nổ mìn khai thác mỏ đá vôi Phong Xuân.
Theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã Phong Xuân đã xuất hiện 66 hố sụt lún, đường kính từ 0,3-3,5m, độ sâu 0,5-3m; hố sụt lún xa nhất cách mỏ đá xi măng Đồng Lâm 1,7km. Các hố sụt lún xuất hiện chủ yếu trên đất trồng lúa, hoa màu, đặc biệt có 5 hố xuất hiện trên đất ở của người dân, 5 hố xuất hiện trên đất nghĩa trang.
Có 169 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 89 hộ nằm trong phạm vi 300m, 70 hộ nằm trong phạm vi 300-500m và 10 công trình của người dân. Ngoài ra, đối với các hộ dân sinh sống gần tuyến đường băng tải của nhà máy trong phạm vi 150m (tính từ trạm đập đá và tuyến băng tải của nhà máy) có 24 hộ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi phát sinh.
Hố sụt lún xuất hiện trong vườn nhà người dân ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân
Theo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư khai thác mỏ đá vôi Phong Xuân, nguồn nước chảy vào các moong trong giai đoạn khai thác mỏ bao gồm nước dưới đất, nước mưa và nước mặt. Tuy nhiên, do toàn bộ moong khai thác được đắp đê bao nên nguồn nước chảy vào moong khai thác chủ yếu là nước mưa và nước dưới đất, do vậy phát sinh tình trạng giảm tầng nước ngầm do chuyển nước ngầm vào moong khai thác, đặc biệt vào mùa khô.
Khu vực chịu tác động giảm mực nước ngầm nằm trong phạm vi 752,4m tính từ biên giới moong. Do đó việc giảm lưu lượng và hạ tầng nước ngầm vào mùa khô làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại các thôn Xuân Điền Lộc, Xuân Lộc gần mỏ đá vôi bị mất nước.
Qua khảo sát thực tế hiện trạng diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng tại đê bao số 1 và 2, vị trí ảnh hưởng thấp do nổ mìn trên 200m (từ 201-300m) với diện tích khoảng 34ha. Diện tích bị ảnh hưởng lớn do nổ mìn đến hoạt động sản xuất (trong phạm vi 200m) là 25,76 ha.
Ngoài diện tích đất bị ảnh hưởng trực tiếp, theo phản ánh của người dân, trong 2 năm gần đây do hạn hán nên việc cung cấp nước tưới tại đập Quao không đảm bảo, bên cạnh đó mức độ ảnh hưởng do khai thác ở mỏ đá do nâng dần độ sâu nên hiện tượng sụt lún đất sản xuất vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp rất lớn.
Vụ hè thu năm 2020, UBND xã Phong Xuân đã chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất lúa khoảng 140 ha, duy trì sản xuất 150 ha lúa, diện tích còn lại 84 ha bỏ hoang không sản xuất được.
Tiếp tục hỗ trợ, sớm di dời
Liên quan đến tình trạng sụt lún, huyện Phong Điền đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề tài đánh giá mức độ và nguyên nhân sụt lún tại khu vực mỏ đá vôi của Nhà máy xi măng Đồng Lâm để có phương án xử lý ổn định, lâu dài. |
Theo UBND xã Phong Xuân, hàng năm, Công ty Đồng Lâm đều phối hợp với địa phương cùng các hộ gia đình khảo sát nhà bị rạn nứt do ảnh hưởng việc khai thác tại mỏ đá và có phương án hỗ trợ tiền, xi măng để người dân tự khắc phục sửa chữa hoặc công ty thuê đơn vị thi công khắc phục sửa chữa cho người dân; đồng thời, hỗ trợ các hộ dân san lấp các hố sụt lún.
Đối với các hộ dân ảnh hưởng khói bụi, Công ty Đồng Lâm đã có những giải pháp giảm thiểu khói bụi tuy vẫn chưa triệt để. Các hộ dân đang sinh sống trong phạm vi 300m (tính từ đê bao mỏ) được công ty hỗ trợ tiền mua BHYT năm 2020 với mức hỗ trợ 805.000 đồng/ người.
Ông Trần Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, hiện nay, Công ty Đồng Lâm đang tiến hành hỗ trợ theo từng vụ đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng trong phạm vi 200m, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/sào/vụ với diện tích trồng lúa và hoa màu; 400.000 đồng/sào/năm đối với diện tích đất trồng cây lâu năm và keo tràm.
Mặc dù Công ty Đồng Lâm đã thể hiện thiện chí và kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục ảnh hưởng của quá trình khai thác mỏ đá, tuy nhiên những giải pháp mới mang tính tạm thời.
Ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, về giải pháp lâu dài, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án di dời các hộ dân nằm trong phạm vi 300m và 8 hộ dân đang sinh sống gần tuyến đường băng tải và trạm đặt đá vôi đến khu TĐC mới.
Đối với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200m (tính từ đê bao mỏ) xung quanh khu mỏ đá vôi với diện tích 25,76 ha, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án đền bù, thu hồi đất. Đối với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200-300m xung quanh mỏ đá vôi với diện tích 34ha, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trưởng lập đề án chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN