Mô hình xử lý rơm rạ ở Thủy Châu (TX. Hương Thủy)
Tuyên truyền, nhắc nhở tận đồng ruộng
Mùa gặt lúa hè thu đã bắt đầu. Những ngày này, ông Trần Viết Chức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (TX. Hương Trà) đích thân chạy xe máy dạo quanh tất cả các đồng ruộng để giám sát bà con thu hoạch, nhắc nhở, nghiêm cấm đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Các hộ thường “đốt đồng” lâu nay đã “rơi vào tầm ngắm” của địa phương, tuy nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm. “Lần này, chúng tôi kiên quyết xử lý bằng mọi biện pháp nếu phát hiện bà con vẫn cố tình đốt rơm rạ trên đồng”, ông Chức khẳng định.
Chị Nguyễn Thị Phương ở xã Hương Phong thừa nhận, mặc dù cán bộ địa phương, khuyến nông đã nhiều lần nhắc nhở, khuyến cáo nhưng thời gian qua thật sự chưa hiểu rõ tác hại của việc “đốt đồng”. Điều này dẫn đến tâm lý chủ quan, lén lút đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Sắp bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu này, được ông Chức phân tích nguy cơ, tác hại nên chị Phương hứa sẽ không đốt rơm rạ. Không chỉ ở Hương Phong, nhiều đồng ruộng trên địa bàn tỉnh hiện nay đã chín rộ, nông dân bắt đầu tiến hành thu hoạch. Đến thời điểm này chưa ghi nhận tình trạng “đốt đồng”.
Ông Nguyễn Thụ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lương 1 (Phú Vang) cho rằng, tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái đồng rộng, làm đất đai ngày càng thoái hóa đã đành, lại còn gây lãng phí một lượng rơm rất lớn có thể phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường.
Tại Phú Lương, mỗi vụ lúa (trên 1.100 ha) thải ra trên đồng ruộng gần 5 ngàn tấn rơm khô. Điều này rất cần một công nghệ thu rơm bằng máy để phục vụ các mô hình sản xuất như trồng ném, hành, đặc biệt trồng nấm rơm. Trên địa bàn xã Phú Lương hiện nay có 650 hộ trồng 1.400 vòm nấm rơm, sản lượng nấm bình quân đạt khoảng 170 tấn/năm, ước thu khoảng 8,1 tỷ đồng/năm.
Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học
Không chỉ ở Phú Lương, đối với người trồng nấm trên địa bàn tỉnh, rơm khô được xem là nguồn nguyên liệu quý giá và được bà con thu gom dự trữ để sản xuất nấm quanh năm. Từ trước đến nay, việc thu gom rơm chủ yếu bằng phương thức thủ công, tốn nhiều nhân công và không kịp thời. Đối với vụ đông xuân, thời gian cho phép thu gom rơm ngắn, lại thiếu lao động nên lượng rơm thu về không nhiều. Điều này khiến nhiều người thường đốt rơm trên đồng ruộng sau khi thu hoạch.
Thời gian chuyển vụ từ đông xuân sang hè thu thường rất ngắn, nếu rơm rạ không được thu gom sẽ gây khó khăn khi làm đất để gieo cấy hè thu. Rơm rạ trên các chân ruộng chưa kịp phân hủy dễ xảy ra tình trạng lúa chết sau gieo, hoặc phân hủy trong điều kiện yếm khí sẽ gây nên ngộ độc hữu cơ cho cây lúa.
Thu gom rơm bằng máy
Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thông tin, để giúp bà con nông dân thu gom rơm kịp thời vụ, tiết kiệm chi phí và ngăn chặn tình trạng “đốt đồng”, trong vụ lúa hè thu 2020, TTKN triển khai thực hiện mô hình "Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch". Mô hình được thực hiện tại 11 đơn vị hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, với quy mô 108 ha lúa. Đồng thời thực hiện mô hình "Thu gom rơm bằng máy cuốn rơm" phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường".
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lương 1 ghi nhận, các hộ tham gia mô hình thu gom bằng máy cuốn rơm đã có sẵn máy kéo công suất 30 mã lực trở lên, TTKN hỗ trợ 50% giá trị máy cuốn rơm. Công suất máy ước đạt 50-80 cuộn/giờ, mỗi sào thu được 8-10 cuộn, mỗi ngày cuốn được từ 2-3 ha. Rơm cuộn được đưa về dự trữ ở nhà kho để cung cấp nguyên liệu cho những hộ trồng nấm, hoặc làm thức ăn nuôi trâu, bò, trồng ném, hành, tủ vườn, ủ phân vi sinh…
Máy cuộn xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Giám đốc HTXNN Thủy Thanh 2 (TX. Hương Thủy), ông Phùng Hữu Thạnh đánh giá, việc áp dụng các biện pháp tổng hợp, đặc biệt có sử dụng chế phẩm vi sinh giúp rơm rạ nhanh chóng phân hủy, mang lại hiệu quả cao, tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất lúa. Ưu điểm dễ nhận thấy, là lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, thân to, cứng cây, lá xanh bền, hạt vàng sáng, ít bị sâu bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm cao (bình quân 65-70 tạ/ha tùy thuộc vào các loại giống). Ruộng lúa cũng được cải tạo tốt hơn, tăng độ mùn, độ xốp, giảm chua phèn, môi trường được cải thiện.
Tại một số điểm làm mô hình đã tiến hành biện pháp làm đất không cần thu gom rơm, thay vào đó dùng máy lồng loại lớn để vùi rơm rạ; sử dụng chế phẩm vi sinh hỗ trợ quá trình phân hủy được nhanh hơn, sau đó làm đất để gieo cấy.
Diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh hằng năm khoảng 55 ngàn ha. Bình quân mỗi ha sau thu hoạch thải ra khoảng 4 tấn rơm khô, như vậy ước tính khối lượng rơm thải trên đồng ruộng mỗi năm khoảng 220 ngàn tấn. Các mô hình thu rơm bằng máy được nhân rộng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân từ việc sử dụng nguyên liệu rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính 1/30 sợi tóc sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải, gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính. Với ô nhiễm bụi bình thường, chỉ cần dùng khẩu trang là có thể ngăn chặn được, còn với bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích. Trong khói đốt rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, các khí độc CO, CO2, SO2, NO2... Người hít nhiều CO và các khí độc khác có thể dẫn đến các loại bệnh về hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, có thể chết người...
Bài, ảnh: Triều Tài