Smart phone (điện thoại thông minh) đưa lại quá nhiều tiện ích nên nó có sức quyến rũ nhiều người. Cũng giống như nhiều vật dụng khác, ngoài chức năng sử dụng (tiện ích) smart phone đôi khi còn mang nhiều ý nghĩa khác, chẳng hạn như để thể hiện đẳng cấp. Suy cho cùng, có mấy người không muốn mình được mọi người ghi nhận ở một đẳng cấp nào đó, như giàu sang, sành điệu…

Nếu biết cách khai thác, sử dụng, điện thoại thông minh mang lại nhiều hữu ích cho đời sống. Ảnh: A.T

Họ bảo rằng, sự thay đổi công nghệ đang diễn ra đến chóng mặt … cũng phải. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới lâu lâu lại tung ra một sản phẩm mới. Thế là họ đã dẫn dắt người dùng vào một cuộc chạy đua. Cứ nhìn vào Apple thì biết. Những sản phẩm mới liên tục được đưa ra, mới nghe Iphone 4,5,6 gì đó thì nay đã Iphone 11. Và có lẽ cuộc rượt đuổi để ra đời những sản phẩm mới hơn không dừng lại ở đây. Việt Nam là một trong những nước có sự tăng trưởng người sử dụng vào hàng nhanh của thế giới.

Các nhà kinh tế đưa ra một khái niệm mới rất phù hợp với những dịch vụ hiện này, đó là “hoạt động kinh tế thiết yếu”, ý nói rằng, nó khác với mảng kinh tế không thiết yếu với đời sống con người. Kinh tế thiết yếu là sản xuất ra các sản phẩm, hay dịch vụ phục vụ cho những nhu cầu cơ bản của con người, như ăn mặc, ngủ nghỉ, học hành, chữa bệnh, đi lại… Kinh tế không thiết yếu là nếu như không có nó cũng được, cũng chẳng sao. Thế nhưng, mảng kinh tế kinh tế này lại hút một dòng tiền lớn và nơi sinh ra lợi nhuận lớn. Tương ứng như vậy là phân phối thu nhập. Nhưng nhiều thứ không thiết yếu bây giờ lại hút một lượng lớn tiền của người dùng.

Phải công nhận một điều rằng, smart phone đưa lại nhiều tiện ích. Song, không phải là với tất cả người dùng. Chúng ta không thể chê nó nhưng muốn nói rằng sử dụng chúng như thế nào là hợp lý, phù hợp. Chẳng hạn như một người làm một công việc nào đó tạo ra doanh thu hoăc ngày công rất ít nhưng lại xài một loại điện thoại đắt tiền là không hợp lý. Nhu cầu công việc, thậm chí là giải trí của họ cũng chỉ cần những chiếc điện thoại cung cấp vài tính năng là đủ thì lại mua một loại điện thoại đắt tiền mà nhiều tính năng không bao giờ đụng đến.

Nhiều tính năng tiện ích miễn phí đã làm cho không ít người lạm dụng chúng mất thì giờ. Khi cần liên lạc một vấn đề nào đó, đáng lý nói đủ nội dung thì thôi. Là vì miễn phí, người dùng nghĩ là không mất gì nên “tám chuyện” cả hàng chục phút hoặc hơn. Tưởng không mất gì nhưng thực ra là mất thì giờ. Nếu gặp người nào đó nói chuyện to, thiếu sự tế nhị thì có thể còn có cái mất nữa trong mắt nhiều người - “ đúng là rảnh”…

Và điều này là chúng ta nhìn thấy rất rõ, sự giao tiếp trực tiếp của con người bị giảm đi rất nhiều. Nhiều đứa nhỏ hễ cầm smart  phone thì y như rằng người bố làm gì, người mẹ làm gì chúng không cần để ý đến nữa. Cho nên, nhiều ông bố, bà mẹ, chẳng hạn như muốn làm một việc gì đó cho yên thì lại giao điện thoại cho con. Lớn thêm chút nữa là nhiều tính năng khác hấp dẫn theo từng lứa tuổi… thế là sự giao tiếp trực tiếp của con người giảm đi. Được mất chưa biết nhưng chúng ta hình dung nếu sự giao tiếp trực tiếp ít đi thì tình cảm của con người với con người sẽ phát triển như thế nào!?

Cho nên con người ngày càng phụ thuộc. Và tư nguyện làm giàu cho các hãng công nghệ. Chúng ta cứ hình dung quỹ thời gian của con người là có hạn, thời gian trong một ngày thì ai cũng giống ai. Người làm được nhiều việc có ích (dù cho bản thân hay cho xã hội) là người biết sử dụng hiệu quả trong quĩ thời gian ấy. Mỗi người dành trung bình 4 tiếng một ngày cho việc tiếp xúc với điện thoại là nhiều hay ít !? Cũng là một sự lãng phí nếu tiếp xúc với điện thoại chỉ để xem những gì nhảm nhí, gây tò mò, “tám chuyện” trên trời dưới đất và vô vàn cái sự vô bổ khác.

                                                                   Nguyên Lê