Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu thu hút khách đến tham quan mỗi dịp mùa Thu tháng Tám

Dấu ấn

Những ngày tiền khởi nghĩa, đình Bàn Môn, xã Lộc An (Phú Lộc) là địa điểm tập trung huấn luyện tự vệ chiến đấu để chuẩn bị lực lượng giành chính quyền về tay Nhân dân. Đêm 18/8/1945, tại đình làng Bàn Môn, đội tự vệ của làng đã dùng loa đi khắp các thôn, làng để phát lệnh, thông báo cho người dân trong làng chuẩn bị để ngày 19/8 kéo về huyện đường Cầu Hai giành chính quyền.

Rạng sáng ngày 19/8, sau khi trống lệnh vang lên, quần chúng Nhân dân trong làng đã mang theo giáo mác, gậy gộc theo đường QL 1A thẳng tiến về huyện lỵ giành chính quyền. Sau ngày tổng khởi nghĩa thắng lợi, đình Bàn Môn là nơi tuyên truyền, vận động chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; quyên góp “hũ gạo cứu đói”, nơi diễn ra “tuần lễ vàng”… và cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – ngày 6/1/1946.

“Hiệu sách Thuận Hóa” – 141 Phan Đăng Lưu, phường Phú Hòa (TP. Huế) là “địa chỉ đỏ” mang đậm dấu ấn Cách mạng tháng Tám. Tháng 3/1938, Xứ ủy Trung kỳ được thành lập do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư. Cũng khoảng thời gian này, để dễ bề hoạt động, đồng chí Lê Thị Kim Quý, cán bộ phụ trách phong trào cửa Xứ ủy cùng với đồng chí Tô Kim Thuyên đã mở “Hiệu sách Thuận Hóa”.

“Hiệu sách Thuận Hóa” thực chất là nơi tổ chức các lớp tập huấn của Đảng và đào tạo cán bộ ưu tú cho các tỉnh miền Trung, mà trực tiếp là Thừa Thiên Huế. Tại đây, các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế để phổ biến Nghị quyết của Xứ ủy Trung kỳ về phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của xã Thuận Thủy (sau đó là Hải Thủy, nay là Thuỷ Tân, TX. Hương Thủy) được thành lập vào tháng 8/1945 tại đình Hoà Phong. Chính nơi đây, chi bộ đã lãnh đạo người dân xã Thuận Thủy giương cao ngọn cờ cách mạng để giành lại chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 22/8/1945 lá cờ đỏ sao vàng được treo lên nóc đình Hoà Phong đã cổ vũ thêm tinh thần cho người dân khi đi bắt bọn cường hào, lý trưởng, buộc chúng phải nộp triện đồng cho chính quyền cách mạng.

Đình làng còn là nơi các đoàn thể cách mạng ra đời, như  "Thanh niên cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Nông dân cứu quốc”, “Phụ lão cứu quốc", là nơi tổ chức các "tuần lễ đồng”, “tuần lễ vàng" để quyên góp tài chính ủng hộ kháng chiến. Đình Hoà Phong là một trong những nơi tổ chức các lớp huấn luyện đảng viên, cán bộ để bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết: “Ngoài nhà lưu niệm Xứ ủy Trung kỳ; đình Bàn Môn, đình Hoà Phong…trên địa bàn tỉnh có rất nhiều “địa chỉ đỏ” mang đậm dấu ấn Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là đình Hiền Sỹ, chợ Viễn Trình, chợ Mỹ Lợi, đình An Cựu, nhà ông Lê Tư Minh (xã Vinh Giang, Phú Lộc), nhà máy vôi Long Thọ, nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu, bến đò Vĩnh Tu, hội nghị đầm Cầu Hai... Chính những di tích, điểm di tích lịch sử này đã góp phần làm nên lịch sử - khởi nghĩa tháng Tám thành công; xóa bỏ hoàn toàn chế độ áp bức thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân”.

Phục hồi, tôn tạo những giá trị lịch sử

Thời gian qua, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan đã rất cố gắng để bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, điểm di tích lịch sử liên quan đến cách mạng tháng Tám trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do thời gian, nhiều di tích, điểm di tích lịch sử đã xuống cấp trầm trọng.

Đánh giá hiện trạng cũng như đề ra phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nằm ngoài quần thể di tích Cố đô Huế của Sở Văn hóa và Thể thao cho thấy, có 123 di tích cần phải bảo quản, tu bổ và phục hồi. Trong đó, có không ít các điểm di tích lịch sử liên quan đến Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế.

Sở Văn hóa và Thể thao cùng với các địa phương, và các ngành liên quan cũng dự toán kinh phí tu bổ, tôn tạo và bảo quản đối với từng di tích; phân kỳ đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo quản di tích theo thứ tự ưu tiên. “Từ năm 2020 – 2025, tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi cho khoảng 66 di tích (5 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh); hoàn thành công tác cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích. Từ năm 2026 – 2030, tiếp tục tu bổ, tôn tạo và phục hồi khoảng 57 di tích (26 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh)”, ông Nguyễn Vũ Minh Tú, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

“Ngoài huy động thêm nguồn lực xã hội, các đơn vị, địa phương được giao trực tiếp quản lý di tích cần chủ động cân đối nguồn vốn để bố trí kinh phí hàng năm cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tập trung, không bố trí kinh phí phân tán, dàn trải; sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn; áp dụng các chính sách hỗ trợ để thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải nêu giải pháp.

Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 38 công trình di tích tại các huyện, thị, TP. Huế với kinh phí gần 50 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 18 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 22 tỷ đồng; xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng. 

Bài, ảnh: Anh Phong