Cuốn sách là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, kiên trì, ngót một thập kỷ (từ năm 2011đến 2020) của Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2018 có thêm Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tham gia, trong việc khảo sát, sưu tầm và số hóa tài liệu Hán – Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế; với sự hỗ trợ và đồng hành tích cực, hiệu quả của việc triển khai 2 đề tài khoa học cấp cơ sở (2011- 2013), cấp tỉnh (năm 2014).

Bước chân âm thầm, lặng lẽ của những nhà sưu tầm (như sưu tầm hiện vật gốc bảo tàng) đã tới lui không biết bao nhiêu lần làm quen, gợi mở, thuyết phục những chủ nhân thuận lòng mở gia bảo với nghi thức trang trọng, tôn kính nơi 14 phủ đệ, 118 làng, đền thờ và nhà vườn thuộc 515 gia đình, họ tộc…, để có 263.848 trang tài liệu Hán - Nôm (trong đó, có hàng chục ngàn sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ) được sưu tầm và số hóa.

Kế tục thành quả và sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, và bạn đọc với cuốn sách Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế (giới thiệu tóm tắt hơn 2.171 sắc phong, sắc chỉ thời Nguyễn) xuất bản năm 2018; cuốn sách xuất bản lần này “tuyển chọn và giới thiệu đầy đủ nội dung 300 tài liệu Hán – Nôm quý, bao gồm 180 sắc phong, 100 chế phong và 19 chiếu”; với  nguyên tắc tuyển chọn cẩn trọng “là các văn bản sắc phong, chế phong, chiếu phải là bản gốc, chất lượng còn tốt (trên 60%), hiện vẫn lưu giữ tại các phủ, các làng và các dòng họ”.

Nội dung của cuốn sách được kết cấu theo ba phần chính: hình ảnh, phiên âm, dịch nghĩa, và bảng tra. Với bố cục lô gíc, hợp lý này, rất thuận tiện cho việc tìm hiểu và tra cứu. Phần 1, giới thiệu hình ảnh của 180 sắc phong, 100 chế phong, 19 chiếu khá rõ ràng, đẹp, với gam màu vàng vẽ chìm họa tiết rồng mây, gợi tò mò với những ai am hiểu nhất định về lĩnh vực này.

Phần 2, phiên âm, dịch nghĩa nội dung của sắc phong, chế phong, chiếu. Đây là phần hồn, cốt lõi, trọng tâm của cuốn sách. Bởi nó “cung cấp thông tin” một cách chính thống và chính xác về chủ thể phong là ai? Đối tượng được phong và phong về việc gì? Thời gian phong?... Từ đó, cho chúng ta hiểu rõ thêm “sắc phong là một loại văn bản hành chính đặc biệt của nhà nước quân chủ phong kiến đứng đầu là hoàng đế để ban thưởng khen ngợi cho những nhân vật có công lao đóng góp cho làng xã, đất nước; với sắc phong thần kỳ, những nhân vật được ban tặng sắc phong có thể là nhân thần (những người khi còn sống đã có công trạng, khi mất được làng xã thờ tự, suy tôn như thần) hoặc thiên thần, nhiên thần (những thần linh có thần tích kỳ dị, hiển ứng được làng xã thờ vọng). Độ tin của nội dung rất cao, được tiến hành theo phương pháp khoa học chặt chẽ “hợp nhóm theo từng phủ, làng, tư giá, niên đại từ sớm đến muộn và đã được các chuyên gia chuyên ngành thẩm định, đánh giá”.

Phần 3, cung cấp bảng tra cứu về sắc phong, chế phong, chiếu được sắp xếp theo: số thứ tự, nhan đề tài liệu, nơi lưu trữ tài liệu gốc, hình, dịch nghĩa, mã file gốc.

Sắc phong, chế phong, chiếu thời Nguyễn là “một nhóm tài liệu quý có giá trị cao về nội dung và chất liệu trong hệ thống các loại văn bản Hán – Nôm”. Nó là loại văn bản pháp quy cao nhất, gần như độc bảng. Do vậy, sưu tầm, số hóa loại văn bản đặc biệt quý hiếm này sẽ bổ sung và làm phong phú thêm tính đặc thù riêng có của kho sách địa chí Thừa Thiên Huế, cung cấp những thông tin cần thiết, làm sáng rõ hơn “phong tục lễ nghi của làng xã và những điển chế của triều đình đối với làng xã Việt Nam, đặc biệt là tại vùng đất Thuận Hóa xưa…; xác minh về các thời điểm thành lập, tên làng xã, thôn ấp… các tộc họ, tổ nghề, sự kiện và nhân vật lịch sử”, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Lê Viết Xuân