Cán bộ trẻ tiếp cận kỹ năng chăn nuôi tại HTX

Trải qua hơn 40 năm hoạt động, một thời gian dài, HTXNN Phú Thuận loay hoay với các dịch vụ nông nghiệp truyền thống như cung ứng giống lúa, vật tư nông nghiệp, thủy lợi… Có thời điểm, HTX rơi vào bế tắc, đứng trước nguy cơ giải thể.

Không thể ngừng hoạt động khi HTX có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, ban quản lý HTX tổ chức nhiều cuộc họp bàn, tìm nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy hoạt động SXKD. Trong nhiều nguyên nhân, HTX nhận thấy đội ngũ quản lý trình độ thấp, già hóa, thiếu năng động là trở lực lớn trong hoạt động của HTX.

Ông Trương Vĩnh Tồn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Phú Thuận kể, lúc đó duy nhất ông là cán bộ trẻ, có trình độ đại học, còn lại chỉ trung cấp, thậm chí thấp hơn. Phát huy vai trò, trách nhiệm và sự năng động của một cán bộ trẻ, ông Tồn mạnh dạn kiến nghị, đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ HTX có cơ chế, chính sách thu hút thêm nhiều cán bộ trẻ có trình độ đại học, phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Từ các chính sách, cơ chế đãi ngộ hợp lý như mức lương khá cao, được đóng bảo hiểm y tế, xã hội…, HTX đã thu hút 4 cán bộ trẻ trình độ đại học đến làm việc. Từ tháng 3/2015, HTX tiến hành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đội ngũ cán bộ quản lý lớn tuổi, hạn chế về trình độ được thay thế bằng cán bộ trẻ, có trình độ đại học, cao đẳng.

Từ khi bắt tay vào công việc, đội ngũ cán bộ quản lý trẻ đã phát huy sở trường, sự năng động, sáng tạo trong hoạt động SXKD. Nội dung, phương thức, phương án SXKD bắt đầu có sự đổi mới, đa dạng, từng bước đáp ứng yêu cầu mới. Từ chỗ chỉ xoay quanh các dịch vụ nông nghiệp, HTX đã nắm bắt nhu cầu người đân địa phương, cơ chế thị trường, tổ chức các dịch vụ SXKD vật liệu xây dựng.

Tận dụng quỹ đất rộng hàng trăm ha, HTX liên kết với Trường đại học Nông lâm (Đại học Huế) trồng cây chùm ngây phục vụ chế biến dược liệu, trường chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. HTX đầu tư mô hình chăn nuôi bò, lợn tập trung, quy mô trang trại mang lại nguồn thu khá lớn. Mới đây, HTX liên kết với các công ty, doanh nghiệp tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu lúa, lạc, mía theo mô hình “chuỗi giá trị”.

Mô hình sản xuất theo hướng “chuỗi giá trị” không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêu thụ sản phẩm, giá cả ổn định, yên tâm sản xuất mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của HTX. Từ thu nhập bấp bênh, không đảm bảo đời sống cho lao động, những năm gần đây, doanh thu của HTX đạt từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với thời kỳ chưa chuyển đổi theo luật mới. Lương bình quân của đội ngũ cán bộ HTX trên dưới 6 triệu đồng/tháng/người và các nguồn thu nhập khác từ thưởng, phúc lợi tùy thuộc vào doanh thu, lãi hằng năm của HTX.

Bài, ảnh: Lân Hoàng