Ứng vào cuộc sống, thấy triết lý này rất hay.

Tôi nghĩ như thế bởi sáng nay đi mua mấy lạng tôm. Loại tôm có kích cỡ cũng kha khá, đồng đều nhau (tôi biết là tôm thẻ chân trắng nuôi) chỉ có 100.000đ/kg. Chỉ tay vào rổ tôm khác (tôi biết đây là tôm tự nhiên đầm phá – có tên thường gọi là tôm rảo hoặc tôm gân), kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều nhưng giá bán là 180.000đ/kg. Có hai lý do để tôm rảo đắt hơn: thứ nhất là ngon hơn; thứ hai là ít hơn.

Chúng ta dường như có nhiều mâu thuẫn: tìm nhiều giải pháp, áp dụng nhiều khoa học công nghệ để sản xuất ra được nhiều sản phẩm nhất (con tôm chẳng hạn), nhưng nhu cầu sử dụng thì lại hướng đến những thứ từ thiên nhiên. Mà cách khai thác thiên nhiên của người Việt chúng ta thì có lẽ ai cũng biết, như tôm chẳng hạn, lớn nhỏ đều bắt tất. Quan sát một hàng tôm ở chợ chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Đó là chưa nói đến những điều lớn lao hơn của thiên nhiên, như khai thác rừng, các loại tài nguyên quý hiếm cần cả hàng triệu năm mới hình thành. Nếu lạm dụng nó quá mức sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Nói công bằng, con người chúng ta gây quá nhiều áp lực lên thiên nhiên. Hễ thứ gì thuộc về tự nhiên thì đang ngày càng đắt đỏ. Vì sao nó đắt? Đơn giản là vì ngày càng hiếm. Cung đã hiếm nhưng cầu thì không ngừng tăng lên. Tưởng chừng một cuộc chạy đua bất tận nhưng có vẻ như chúng ta có phần sang trọng nhưng chưa hẳn đã văn minh. Đàn chim sẻ  kêu ríu rít mỗi sớm mai cũng làm cho tâm hồn người thấy thanh thản, bình yên. Nếu nói về ăn thì thiếu gì món để ăn mà phải cần đến chúng. Thế mà vẫn có người sinh ra một loại âm thanh quái đản để dụ dỗ và bắt chúng. Nhiều người khác nữa, dẫu không bắt chúng nhưng vẫn không có phản ứng gì đối với những kẻ săn chim. Và tệ nữa, nhu cầu ăn thịt chim ngày càng cao hơn khi nó hiếm hơn. Đôi lúc nghĩ rằng, con người chúng ta ngày càng lãnh cảm với thiên nhiên. Soi vào thực tế, có nhiều ví dụ lắm.

Thiên nhiên là người bạn, là môi trường sống. Như vậy, chúng ta đang làm hại môi trường sống của mình. Và như thế, có đáng để nói rằng là chúng ta đang văn minh?

Dòng Mê Kông chảy xuyên qua nhiều quốc gia, bồi đắp nên những châu thổ phì nhiêu. Nhiều quốc gia ở thượng nguồn cố gắng chặn nó lại vì lợi ích của riêng mình. Anh được nguồn điện thì sự trả giá là nhiều cánh đồng vắng bóng phù sa. Không phải nước khác mà ngay chính nước anh cũng vậy. Rồi lũ lụt, thiên tai ập đến thình lình. Nhiều nước được hưởng lợi từ dòng nước Mê Kông đóng vai trò như là “cái kho gạo” cho cả khu vực và thế giới. Sản xuất ra gạo ngày càng khó khăn thì giá cả ngày càng đắt đỏ. Anh bán điện rồi anh mua gạo cũng chẳng sao. Tôi bán gạo rồi tôi mua điện, chưa chắc ai thiệt hơn ai. Nhưng thiên nhiên, môi trường sống chung của chính chúng ta thì thiệt hại. Vậy có khác chi chúng ta đang làm hại chính mình – con người.

Phấn đấu cho một cuộc sống cân bằng với thiên nhiên giờ trở nên ngày càng khó khăn hơn bao gì hết. Vì chúng ta còn mải mê theo đuổi những điều bất hợp lý với thiên nhiên. Câu hỏi bây giờ là có nên đánh đổi cái này để lấy cái kia. Có nên bằng mọi cách phục vụ cái thiên hướng thích những cái gì thuộc về tự nhiên, nhưng làm hại tự nhiên. Hãy thôi ăn thịt những con chim sẻ bé nhỏ để nghe tiếng ríu rít mỗi ngày, chúng ta sẽ thấy tâm hồn mình bình yên, thanh thản. Chúng ta sẽ được cái này và sẽ mất những cái không nên tồn tại. Cần những đánh đổi như vậy.

LÊ PHƯƠNG