Với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, tháng 10 năm 2012, Đại sứ quán Phần Lan phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh triển khai dự án tại xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền. Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của mình, dự án trang bị kiến thức và kỹ năng truyền thông về BĐKH cho 30 cán bộ truyền thông của huyện Quảng Điền, nâng cao nhận thức về BĐKH cho người dân, học sinh các trường THCS trong khu vực; tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ cho 52 hộ gia đình xây dựng hầm khí biogas, biên soạn, phát hành nhiều tài liệu giúp người dân tiếp cận với kỹ thuật xây dựng và sử dụng an toàn công trình khí sinh học; hướng dẫn, giúp đỡ xã Quảng Phước thành lập 3 đội ứng cứu khẩn cấp khi có thiên tai bão lụt. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ địa phương xây dựng phương án lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu với phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Giải - Giám đốc dự án cho biết: “Đến nay, dự án đã được thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Dự án đã chứng minh tính phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ và người dân trong các vấn đề liên quan đến BĐKH”.
Là địa phương có số hộ chăn nuôi lợn, gà khá lớn trong toàn huyện. Hiện, xã Quảng Phước có đến 1.300/1.900 hộ nuôi lợn, hộ ít cũng nuôi 2 đến 3 con, hộ nhiều nuôi đến 100 con. Lượng nước thải từ các hộ chăn nuôi này phần lớn được thải trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông... gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sau khi được dự án hỗ trợ hướng dẫn, xây dựng hầm biogas, tình trạng trên cơ bản được khắc phục. Không những thế, người chăn nuôi còn tận dụng được nguồn khí từ hầm biogas, phục vụ thắp sáng và đun nấu trong gia đình, tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ hàng năm. Ngoài ra, họ còn tận dụng nguồn phân thải từ hầm biogas để bón cho cây trồng, tạo nên nguồn phân sạch phục vụ cho trồng trọt.
Ông Phan Thí, thôn Thủ Lễ 3, xã Quảng Phước, cho hay: “Từ khi được dự án hỗ trợ xây dựng hầm biogas, kinh tế gia đình tôi khấm khá hẳn. Nếu như trước đó mỗi năm gia đình tiêu tốn gần 2 triệu đồng cho việc sử dụng gas trong đun nấu và trên 2 triệu đồng mỗi năm cho điện thắp sáng thì giờ đây chi phí ấy được tiết kiệm. Lợn nuôi theo hình thức sử dụng hầm biogas cũng đảm bảo vệ sinh nên ít dịch bệnh, trọng lượng cũng tăng nhanh, nhờ thế kinh tế gia đình ngày một được cải thiện. Mỗi lứa nuôi gia đình thu lãi gần 5 triệu đồng”.
Không riêng gì gia đình ông Thí mà 52 hộ dân được hỗ trợ của dự án, kinh tế cũng có những chuyển biến tích cực. Từ thành công của dự án, nhiều hộ dân trong xã cũng bắt đầu làm quen và xây dựng thành công mô hình nuôi lợn sử dụng hầm biogas. 
Ông Phan Hùng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phước nhận xét: Thông qua các hoạt động của dự án, cán bộ và nhân dân trong xã nhận thức được tác hại do biến đổi khí hậu gây ra trong đời sống cũng như trong sản xuất và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án còn giúp xã tiếp cận với những kỹ năng cần thiết thực hiện lồng ghép BĐKH vào kế hoạch phát triển KTXH của địa phương nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của BĐKH; góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Doãn Quan