Các chiến sĩ trẻ làm đầu bếp "bất đắc dĩ" tại khung T3

4 giờ sáng, khi mọi người vẫn còn say ngủ, những người lính tại Khung cách ly T3 đã “chào ngày mới” với bộn bề công việc, từ chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đến đi chợ, nấu ăn…để kịp phục vụ bữa sáng vào lúc 6 giờ cho gần 1.000 công dân đang thực hiện cách ly ở đây. Dù thấm mệt vì công việc dồn dập nhưng qua lớp vải chiếc khẩu trang, mọi người vẫn cảm nhận được nét mặt vui vẻ của các chiến sĩ.

Binh nhất Nguyễn Hữu Đức, Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là người được đơn vị tuyển chọn phục vụ bà con ở khu cách ly 4 tháng nay, tâm sự: “Khi mới nhận lệnh, bản thân cũng cảm thấy lo lắng, nhưng được sự quan tâm, động viên của cấp trên, tôi cùng các chiến sĩ khác đã xác định rõ được tinh thần, trách nhiệm và cũng rất vui là đa số bà con đều hài lòng với các bữa ăn mà chính chúng tôi chế biến”.

Mỗi người mỗi công việc khác nhau: Người chặt thịt, nhặt rau, người chế biến món ăn, người đứng bếp, cứ thế hàng ngàn suất ăn sáng thơm ngon đã sẵn sàng cho bà con.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bà con các nơi về cách ly tại các khung rất đông. Ngoài công việc chuyên môn, nhiều cán bộ chiến sĩ tại các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh đều sẵn sàng thay phiên nhau về hỗ trợ công tác hậu cần cho các khung cách ly, giúp cho bà con có những bữa ăn bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh, góp phần giúp bà con yên tâm trong quá trình cách ly.

Dưới bàn tay khéo léo của các “anh nuôi, chị nuôi”, những suất ăn được hoàn thiện thơm ngon với đầy đủ các món chính như thịt xào, cá kho, tôm rim, rau xào, trứng rán… Mặc dù cường độ công việc cao, lượng công việc lớn nhưng tất cả các “anh nuôi, chị nuôi” tham gia đều thể hiện tác phong nhanh nhẹn, hòa nhập công việc tốt, thực hiện nhiệm vụ được phân công không kém phần chuyên nghiệp.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Đức, Khung trưởng Khung cách ly T3, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng bữa ăn cho bà con cách ly, chúng tôi nắm chắc quân số ăn tại bếp; tổ chức xây dựng thực đơn ngày, tuần; tổ chức khảo sát giá cả trên thị trường; liên hệ với Hội Nông dân, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang tìm những nguồn lương thực, thực phẩm an toàn; quản lý chặt chẽ “giữa người tiếp phẩm, người thủ kho” có phiếu xuất, nhập hàng ngày...

Với gần 1.000 suất ăn trong mỗi bữa, các “anh nuôi, chị nuôi” đã tất bật lo toan các công đoạn liên tục từ sáng sớm đến tối muộn. Có những hôm vào tối muộn có công dân mới về khu cách ly, các anh chị vẫn sẵn lòng có mặt, chuẩn bị các suất cơm nóng để người dân ấm bụng, an tâm nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi.

Bài, ảnh: TRẦN TÌNH