Người nuôi tôm gặp khó khăn trong thời điểm này

Chờ tín hiệu tích cực từ thị trường

Không ngoại lệ, cùng nhiều ngành kinh tế khác, từ đầu năm đến nay, nuôi tôm trên cát gặp vô vàn khó khăn vì dịch COVID-19. Ngoài dịch bệnh trên tôm, bí đầu ra khiến người nuôi lao đao. Nhiều hộ dân lỗ hàng trăm triệu đồng.

Cuối năm 2019, con tôm được giá bởi trúng vào dịp tết nguyên đán, song từ đầu năm 2020 đến nay, giá tôm xuống dốc, chi phí đầu vào cao khiến người nuôi thiệt đơn thiệt kép.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Bây giờ, người nuôi tôm buộc sống chung với dịch. Sau thời gian thua lỗ liên tục, họ đang thận trọng hơn, dù bây giờ đang vào chính vụ, thời điểm quyết định sự thành bại trong cả năm. Anh Nguyễn Văn Thành (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) bảo rằng, người nuôi tôm ở các vùng biển bãi ngang hàng năm chỉ trông vào vụ đông, và bây giờ cũng là lúc bắt đầu xuống giống. Song, khi COVID-19 đang còn hoành hành, người nuôi không dám mạo hiểm. “Chi phí cho một vụ nuôi tôm rất lớn, ngoài tiền giống, thức ăn, điện, nước, thuốc men còn bỏ tiền thuê người trông coi trại tôm, nhưng bây giờ chi phí đầu vào lại lớn hơn đầu ra khiến chúng tôi cầm chắc lỗ”, anh Thành nói.

Không khó nhận ra nhiều hồ tôm đang phơi đáy, số ít chủ hồ thả nuôi cũng thấp thỏm. Người nuôi chấp nhận tạm dừng xuống giống để đảm bảo an toàn, dù chính vụ. Anh Lê Viết Sáng (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) chia sẻ: “Người nuôi tôm chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình dịch COVID-19 và thị trường tiêu thụ tôm hiện nay. Bây giờ đã vào vụ đông nhưng cần tính toán việc xuống giống hợp lý để thời điểm thu hoạch đúng vào lúc dịch COVID-19 được kiểm soát”.

Người nuôi tôm có thể khép lại một năm nuôi trồng thất bại, nhưng phương án tạm dừng nuôi được xem là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi các con đường tiêu thụ đang bị thu hẹp. “Dẫu khó khăn nhưng nuôi tôm trên cát vẫn là sinh kế, tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Dự kiến, vụ đông năm nay, người nuôi sẽ đồng loạt xuống giống nhưng bây giờ đa số đang lưỡng lự. Một phần vì trải qua các đợt thua lỗ trước, kinh phí tái đầu tư gặp khó, phần khác họ đang chờ những tín hiệu tích cực từ thị trường lẫn thời tiết”, Chủ tịch UBND xã Phong Hải Hoàng Văn Sửu cho biết.

Chất lượng con tôm vẫn chưa đáp ứng được thị trường ngày càng khắt khe

Cơ cấu lại con tôm

Hiện, toàn tỉnh đang có khoảng 500 ha nuôi tôm trên cát. Không phủ nhận đây là thế mạnh phát triển kinh tế của nhiều địa phương, song không chỉ bây giờ, khi COVID-19 hoành hành mà nhiều năm qua, con đường nuôi tôm đã gập ghềnh.

Chuyện được mùa, mất giá xảy ra thường xuyên khiến con tôm của người nuôi đang phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Cùng với đó, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ nhiều vùng nuôi tự phát diễn ra nhiều năm ảnh hưởng đến quá trình nuôi, khiến nhiều diện tích bị bỏ hoang, lãng phí đất đai.

Người dân có thể chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác trong thời gian tạm dừng nuôi tôm trong mùa dịch, nhưng đây cũng là thời điểm họ cần nhìn nhận lại quy trình nuôi cùng nhiều yếu tố khác để có hướng đi bền vững.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, rất nhiều giải pháp liên quan đến công nghệ như, nuôi tôm ao tròn, nuôi tôm bằng công nghệ nano, nuôi tôm 2 giai đoạn được tuyên truyền đến người dân. Song, đến bây giờ rất ít hộ nuôi áp dụng vào thực tiễn. Nguyên nhân ngoài kinh phí, kỹ thuật thì nhận thức của người dân chưa thật chuyển biến. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ đang ngày càng khắt khe.

Thực tế, tôm chân trắng của người dân chủ yếu tiêu thụ nội địa thông qua một số đầu nậu nhất định, mức giá vì thế tăng giảm cũng tùy theo “phán quyết” của thương lái. “Tại vùng nuôi tôm Ngũ Điền, chỉ có Công cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có nhu cầu thu mua tôm để xuất khẩu. Bởi người dân chưa đáp ứng được những yêu cầu từ phía công ty này nên không thể được chấp nhận. Do vậy, muốn tiêu thụ nhanh thì phải bán cho thương lái”, ông Sửu chia sẻ.

Trước sự biến đổi của khí hậu lẫn thị trường, đường đi của con tôm bây giờ đã khác trước, nhất là khi nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ồ ạt. Dù không hẳn làm mất đi sự cân bằng giữa cung – cầu nhưng giá trị con tôm đang có xu hướng thụt lùi, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nuôi. “Thay đổi, cơ cấu lại con tôm là điều bắt buộc để phù hợp theo từng hoàn cảnh. Bây giờ, hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cần được người dân mạnh dạn áp dụng vào thực tiễn nhiều hơn. Khi mà dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến hầu hết các ngành kinh tế, thì với người nuôi tôm, họ cần tận dụng khoảng thời gian này để nhìn nhận lại vấn đề và cải tạo, sửa chữa ao hồ kỹ lưỡng trước khi chọn thời điểm thả giống”, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng chi cục Thủy sản tỉnh phân tích.

Bài, ảnh: L.Thọ