Thực tế cho thấy, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là căn bệnh lưu cữu ở nhiều địa phương, đơn vị, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Riêng năm 2020, hiện vẫn còn không ít địa phương, đơn vị chậm giao vốn.

“Đây là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương. Ai, tổ chức nào, cá nhân nào làm chậm thì phải kỷ luật nghiêm. Cái này thành một chế tài quan trọng. Nếu chúng ta sờ đến vai trò cá nhân của người đứng đầu thì chuyển biến mới được. Còn nói chung chung khó lắm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Không chỉ trong vấn đề đầu tư công, cụm từ “trách nhiệm người đứng đầu” đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống, gắn với hoạt động vận hành bộ máy công quyền. Trong không ít cuộc họp, giao ban, điều hành; trong không ít các công văn, chỉ thị...về vấn đề, vụ việc nào đó từ Trung ương đến địa phương, cùng với các nội dung chỉ đạo, điều hành, thường gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Như cách đây vài năm, trước tình trạng phá rừng tái diễn nhức nhối, cùng với lệnh cấm cửa rừng được ban bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo quyết liệt: Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, người đứng đầu ban ngành và địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu cũng luôn được nhắc đến, gắn với những nhiệm vụ cụ thể trên nhiều lĩnh vực như tiến độ các dự án trọng điểm; xử lý ô nhiễm rác thải sinh hoạt; lập lại trật tự đô thị; giữ an ninh ở khu dân cư; trục vớt bèo trên sông hói; bảo vệ động vật hoang dã; xử lý cây mai dương ngoại lai...

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít những bất cập vẫn tái diễn, lưu cữu sau nhiều chỉ đạo, điều hành mà ở đó, rất ít khi hoặc chưa hề thấy trách nhiệm người đứng đầu được xem xét, xử lý, ngoại trừ những vụ việc dính lứu đến những vi phạm cụ thể về pháp luật.

Đâu đó, rừng vẫn bị tàn phá, thậm chí có tỉnh, lâm tặc mở cả đường, sử dụng cả xe cơ giới. Ở không ít địa phương, rác thải vẫn dồn ứ dưới những tấm biển cấm đổ rác. Tại đô thị, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn tái diễn một cách nhức nhối. Hay có những nơi, tại địa bàn này, địa bàn khác vẫn cộm lên tệ nạn xã hội...

Có rất nhiều nguyên nhân khách quan thường được viện dẫn cho những bất cập, tồn tại như địa bàn rộng, chồng chéo; thiếu nhân lực, phương tiện; tội phạm ngày càng tinh vi, manh động; chưa có sự phối hợp giữa các ban ngành, địa phương; ý thức người dân chưa cao; thời tiết không thuận lợi...Thế là việc quy trách nhiệm người đứng đầu trước sự chậm trễ, trì trệ, bất cập... như một con voi đã dễ dàng chui qua lỗ kim.

Một khi, vấn đề quy trách nhiệm người đứng đầu còn chung chung, chưa thành một chế tài quan trọng; không sờ đến vai trò cá nhân của người đứng đầu thì hiệu quả vận hành của tổ chức, đơn vị, bộ máy... khó chuyển biến nhanh, mạnh, không chỉ trong giải ngân vốn đầu tư công...

Kim Oanh