Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Huế vừa thụ lý, giải quyết một vụ án hôn nhân & gia đình khá hy hữu. Các đương sự đã ở tuổi bảy mươi. Người vợ là nguyên đơn, với lý do người chồng khó tính. Sự việc các con xin “cắt” cho một phần trong tổng số diện tích đất cha mẹ đang sở hữu, sử dụng, nhưng chồng bà không đồng ý. Bà đến nhà con để ở, đồng thời yêu cầu ly hôn, chia đôi tài sản. Phần đất của mình, bà sẽ cho các con.

“Khi đến tòa, ông khóc. Ông “nhờ” rất tha thiết “giúp cho chú với, giữa vợ chồng chú không có mâu thuẫn gì lớn”. Lần tiếp theo đến nộp bản tự khai, ông vẫn không kìm được nước mắt, lại “nhờ vả” tòa, có cách nào giúp cho vợ chồng già đoàn tụ”- Thẩm phán Thái Thị Hồng Vân, Chánh tòa Dân sự TAND TP. Huế nhớ lại.

Vào ngày tòa án tiến hành hòa giải, ông không may bị tai nạn. Tìm hiểu được biết, cả người vợ và các con của bị đơn hôm đó đều hớt hải đến bệnh viện, chăm sóc chồng, cha, nữ thẩm phán nhận định, gia đình này có cơ hội hàn gắn. Một thời gian sau, tòa gửi giấy triệu tập. Bị đơn cho rằng, sức khỏe của ông vẫn chưa tốt, để có thể đến tòa.

Thẩm phán quyết định cùng thư ký đến nhà bị đơn để tìm hiểu tình hình. Lúc đó, cũng vừa lúc nguyên đơn đưa cháo đến cho chồng. Nữ thẩm phán cho biết, cơ hội rất thuận lợi, chị “chộp lấy”, hòa giải luôn, gợi lại những năm tháng dài vợ chồng cùng vượt qua bao khó khăn để xây dựng tổ ấm, nuôi dạy con cái; phân tích những điều mất đi khó lòng đong đếm - nhất là về mặt tinh thần - khi gia đình tan vỡ lúc vợ chồng đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Lúc này, người vợ “kể tội” chồng như một cách giải tỏa những điều không vừa ý tích tụ bấy lâu nay, không được giải quyết. Trước sự chứng kiến của cán bộ tòa án, “ba mặt một lời”, nguyên đơn yêu cầu bị đơn hứa phải thay đổi. Người chồng nhận sai, đồng thời chấp nhận những yêu cầu của vợ. “Ngay lúc đó, người vợ viết đơn rút đơn xin ly hôn. Sau đó, người chồng gọi điện thoại cảm ơn những người làm công tác xét xử vì đã tận tâm, khéo léo mới hòa giải thành công, để vợ chồng ông “cởi bỏ” được những khúc mắc, bảo vệ được gia đình khỏi tan vỡ. Đối với chúng tôi đây chính là niềm vui, hạnh phúc”- Thẩm phán Thái Thị Hồng Vân bày tỏ.

Bà Trần Thị Phương Thảo, thư ký TAND huyện Phú Lộc, người từng cùng các thẩm phán hòa giải thành công nhiều vụ án hôn nhân & gia đình chia sẻ: Không chỉ kiên nhẫn lắng nghe các bên đương sự mà những người làm công tác xét xử phải rèn luyện, trau dồi kỹ năng, để sự phân tích đạt tính thuyết phục cao nhất.

TAND huyện Phú Lộc từng thụ lý, giải quyết vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn. Đó là trường hợp trước đây, các đương sự ly hôn, nhưng không chia nhà đất, mà giao cho người chồng quản lý, sử dụng, tài sản sau này sẽ để lại cho con. Sau đó do không tin tưởng chồng cũ, sợ tài sản sẽ “thất thoát”, người vợ “đâm đơn” đến tòa án, yêu cầu chia nhà đất nêu trên. Bằng cách nói rõ ràng, dễ hiểu, những người làm công tác xét xử TAND huyện Phú Lộc đã giải thích pháp luật, dù bây giờ hai đương sự không còn là vợ chồng, nhưng nhà đất đó là tài sản chung. “Sổ đỏ” mang tên hai người thì một mình chồng cũ (hoặc vợ cũ) không thể sử dụng vào việc thế chấp, chuyển nhượng, tặng cho ai được. “Nghe thủng” điều đó, nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện. Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo số liệu thống kê, riêng trong năm qua, TAND hai cấp đã hòa giải thành, công nhận thỏa thuận của các đương sự trong án dân sự, hôn nhân & gia đình…, đạt tỷ lệ 51%.

Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Trong án hôn nhân & gia đình nói riêng, trong tranh chấp dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại, hòa giải luôn là “khâu” quan trọng, được tòa án chú trọng; những người làm công tác xét xử của TAND hai cấp luôn nỗ lực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng. Bởi hòa giải thành một vụ tranh chấp là thêm một lần hóa giải, loại bỏ được mâu thuẫn, góp phần củng cố ổn định xã hội. Trong án hôn nhân & gia đình, hòa giải thành sẽ “cứu” nhiều gia đình khỏi tan vỡ, tránh nhiều hệ lụy.

DUY TRÍ