Huyện Quảng Điền chú trọng nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc học tập suốt đời; xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức; mở rộng nhiều mô hình đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp Nhân dân...

Toàn huyện có 4 thôn (tổ dân phố), 4 dòng họ và 325 gia đình được chọn để xây dựng mô hình học tập thí điểm. Kết quả, có 100% dòng họ và cộng đồng đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”; trên 80% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình học tập".

Từ kết quả thí điểm, Quảng Điền triển khai rộng khắp mô hình học tập trong toàn huyện. Đến năm 2019, toàn huyện có 11.955 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (51,3%), 135 “Dòng họ học tập” (35,1%), 64 cộng đồng (làng, thôn, tổ dân phố) được công nhận “Cộng đồng học tập” (67,3%), 56 đơn vị học tập thuộc xã quản lý (88,8%). Đầu năm 2018, UBND huyện ban hành Công văn số 327/UBND chỉ đạo cụ thể việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng cộng đồng học tập cấp xã. Kết quả kiểm tra, đánh giá và xếp loại có 4/11 đạt loại giỏi và 7 xã loại khá “Cộng đồng học tập cấp xã”.

Họ Văn xã Quảng Thái là một "Dòng họ học tập" tiêu biểu ở Quảng Điền. Đáng ghi nhân là sự hưởng ứng tích cực của những người lớn tuổi trong dòng họ. Được động viên và khuyến khích, họ đã biết cách tự học, tự nghiên cứu qua sách báo, internet hay tham gia các buổi tập huấn về khuyến nghề. Nhờ vậy, trong dòng họ xuất hiện nhiều người lớn tuổi sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại thông minh; làm kinh tế giỏi gắn với các mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng mướp trên rú cát, nuôi vịt đồng… góp phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Hiệu quả của các mô hình học tập ở Quảng Điền gắn liền với tổ chức Hội Khuyến học. Từ khi thành lập (năm 2002) cho đến nay, Hội Khuyến học huyện Quảng Điền chỉ đạo các tổ chức hội từ huyện đến cơ sở có nhiều việc làm thiết thực, tạo nên bước phát triển mới trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Các trung tâm học tập cộng đồng được thành lập ở 11 xã, thị trấn và đều có giáo viên tăng phái; tất cả đều có chương trình, kế hoạch học tập; trong đó, có 7 trung tâm hoạt có hiệu quả xếp loại tốt. Hằng năm, các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức tập huấn cho hơn 9.000 lượt người được chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, thủ công nghiệp, giáo dục pháp luật, kỹ năng sống… Đồng thời, tổ chức giảng dạy tiếp tục sau khi biết chữ tại 7 xã cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng đào tạo nghề ngắn hạn cho 581 người và có 243 người có nghề mới.

Bài học rút ra ở Quảng Điền trong xây dựng các mô hình học tập là đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động; kết hợp giữa tổ chức tập huấn, tuyên truyền và quán triệt với tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình học tập; kết hợp công tác xây dựng các mô hình học tập với xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.   

An Nhiên