Ông Thiên và bà Huê cùng trao đổi việc thôn, việc làm ăn sinh sống
Đi qua cuộc chiến
Đến thôn Mộc Trụ, hỏi “cô gái nhỏ” Hồ Thị Huê, cách đây hơn 50 năm từng dọc ngang rải truyền đơn ngay trước đồn địch, trong ấp chiến lược, kiên gan qua mắt địch tiếp tế thức ăn cho cán bộ cách mạng thời chiến tranh chống Mỹ, người dân trong thôn chỉ quán tạp hóa nhỏ bên vệ đường bảo, bà Huê đang bán quán.
Đó là người phụ nữ ngoài 60, dáng lam lũ, có nụ cười hiền lành chân chất. Ánh mắt bà trở nên hoạt bát tinh anh, khi ký ức sống lại những tháng ngày mà đôi bàn chân bé nhỏ thoăn thoắt đi qua hiểm nguy, có thể hy sinh tính mạng.
1968 - 1969, là thời kỳ dân các xã Vinh Phú (cũ), Vinh Thái (cũ) “nghẹt thở” vì bị địch dồn vào các ấp chiến lược, bên ngoài là hàng rào dây kẽm gai. Việc mang truyền đơn vào rải trong ấp chiến lược, rải trước đồn địch hoặc tiếp tế thức ăn cho cán bộ cách mạng trong các căn hầm bí mật hoặc ẩn nấp đâu đó dưới những bờ tre là đối mặt với rất nhiều hiểm nguy.
Lúc đó mới 15 - 16 tuổi, người nhỏ bé, nhưng bà Huê lại mang trong mình ý chí cứng cỏi, kiên cường. Bà nói một cách giản dị rằng, những người đang nằm hầm, ngủ đất, sống chết cận kề giữa vòng vây, săn lùng của quân địch, chính là để giành tự do cho quê hương, cho mọi người dân trên mảnh đất này. Điều đó thắp lên trong lòng bà một ngọn lửa quyết tâm, chấp nhận hiểm nguy, kể cả hy sinh để góp sức.
Vậy là trong vai con nhà nông, “cô gái nhỏ” Hồ Thị Huê đã thông minh mưu trí sáng tạo những phương thức độc đáo, bình tĩnh vượt qua biết bao hàng rào kiểm soát đưa thành công thức ăn đến cho cán bộ cách mạng nằm vùng.
Bà Huỳnh Thị Hòa ở thôn Mong B, nay hơn 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in những tháng ngày không bao giờ quên. Chính tay bà đào hầm nuôi giấu chồng và các đồng đội của ông. Biết bao đau thương khi em ruột chồng bà và đồng đội bị địch phục kích, hy sinh ngay tại hầm. Nhưng đau thương đó càng tôi luyện ý chí người phụ nữ nhỏ bé. Năm 1969, địch cho xe cày ủi, lùng sục tìm cơ sở, bà Hòa giả vờ đi hái rau để đậy nắp hầm. Ngụy trang xong, phải đi lui từng bước để địch không phát hiện.
Giữ mãi
Ông Trần Đình Thiên ở thôn Mộc Trụ (xã Vinh Phú cũ) là một trong những người trong thời kỳ chống Mỹ tham gia nuôi giấu cán bộ. Lúc đó, ông khoảng 13 - 14 tuổi. Chính bố ông là cán bộ cách mạng đầu tiên ông che giấu trong căn hầm đào giữa nhà. Việc bảo vệ người thân của mình là động lực khiến ông quên hết mọi hiểm nguy. Từ tình cảm tự phát ấy, dần dà “cậu bé” Thiên rèn giũa tinh thần quả cảm, để từ đó nuôi giấu rất nhiều cán bộ hoạt động bí mật tại địa phương.
Ông Thiên, bà Hòa, bà Huê và rất nhiều người con ưu tú của Vinh Phú, Vinh Thái ngày đó như ông Hoàng Tùng, bà Hồ Thị Cam, bà Nguyễn Thị Xanh, bà Nguyễn Thị Thước… đã một lòng đi theo cách mạng. Nhờ có họ kiên gan, bền lòng tiếp tế thực phẩm, nuôi giấu cán bộ, rải truyền đơn, nắm tình hình địch, móc nối với cơ sở, để có những chuyến đò chở gạo vượt sông Đại Giang, sông Thiệu Hóa lên căn cứ; đưa bộ đội về đánh đồn, tiêu diệt địch, góp phần không nhỏ để tạo chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Đỗ Viết Tư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Gia (được nhập từ 2 xã Vinh Phú và Vinh Thái) chia sẻ: Mảnh đất nơi đây rất tự hào vì có những người con kiên cường, dũng cảm trong các cuộc đấu tranh cứu nước. Càng tự hào hơn khi họ giữ mãi ngọn lửa đó để vượt qua bao khó khăn, thử thách, đi qua những năm tháng dài, cho đến tận hôm nay, chung tay phát triển quê hương.
Ông Trần Đình Thiên qua hai nhiệm kỳ trong vai trò Bí thư chi bộ thôn Mộc Trụ, đã vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chung tay xây dựng nông thôn mới. Tin tưởng, người dân nghe theo, hiến đất, hiến công, mở rộng, bê tông hóa các tuyến đường thôn. Như hộ ông Lê Tuyến, hộ ông Lê Duy, hiến tổng cộng hàng trăm m2 đất. “Thời gian chuẩn bị sáp nhập hai xã Vinh Phú và Vinh Thái, một số người dân còn nghi ngại, chưa thống nhất, nhưng nghe phân tích của ông Thiên, Bí thư chi bộ thôn, chúng tôi đã hoàn toàn thông suốt, để từ nay đồng lòng cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế”- ông Nguyễn Văn Hải (thôn Mộc Trụ) bày tỏ.
Ngôi nhà khang trang của bà Hồ Thị Huê giữa khu vườn xanh mát hay những “luống” thóc vàng ươm dưới nắng, trên chiếc sân xi măng nhà bà Huỳnh Thị Hòa đều mang đến cảm giác no ấm, bình yên.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh