Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) được giao nhiệm vụ nuôi giữ, lai tạo đàn giống gốc cụ kỵ, ông bà, bố mẹ thuộc các giống Duroc, Piteran, Landat, Yorshire được nhập khẩu từ Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mỹ… Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Mặc dù, đàn nái như vậy nhưng từ tháng 10/2019 các cơ sở mới bắt đầu phối giống sau đó mới tái đàn, nên đến cuối quý III, đầu quý IV mới cơ bản đủ con giống cho sản xuất.

Cụ thể, nhu cầu lợn thương phẩm sau cai sữa sản xuất mỗi quý cần khoảng 11,5 triệu con. Trong khi nguồn cung quý I đáp ứng khoảng 10,5 triệu con, còn thiếu khoảng 1 triệu con. Quý II đáp ứng 10,8 triệu con, thiếu khoảng 700 nghìn con. Quý III đáp ứng 11,3 triệu con, thiếu khoảng 200 nghìn con và quý IV sẽ đáp ứng khoảng 11,7 nghìn con.

Đến tháng 7/2020, đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà của 16 doanh nghiệp lớn tăng 27,81%; đàn lợn nái bố mẹ tăng 6,56%. Khả năng sản xuất lợn nuôi thương phẩm của 16 doanh nghiệp khoảng 4 triệu con/quý, thay thế khoảng 2,5-3 triệu con/quý, đến quý III các doanh nghiệp mới có con giống bán ra ngoài.

Cục Chăn nuôi cho rằng, vừa qua các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay rất cao từ 2,5 triệu đến hơn 3 triệu đồng/con.

Để tăng nguồn lợn giống nhanh, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 7/2020, có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 16.537 con lợn giống các loại, chủ yếu từ các nước Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan…. Đặc biệt các doanh nghiệp nhập khẩu lợn bố mẹ từ 80-100 kg chuẩn bị phối giống để sớm có con giống phục vụ sản xuất trong năm 2020.

Theo số liệu đăng ký của các doanh nghiệp nhập khẩu tiếp năm 2020 gần 400 nghìn con giống bố mẹ. Với số lượng lợn giống nhập khẩu và số lượng tự sản xuất trong nước sẽ chủ động được số lượng giống thay thế theo chu kỳ sản xuất. Như vậy, sẽ đáp ứng được lợn giống cho sản xuất từ năm 2021-2024.

Mức độ tái đàn lợn thời điểm 1/7/2020 so với 31/12/2019 cao nhất là vùng Đông Nam Bộ đạt trên 100%, thấp nhất là vùng Đông bằng sông Cửu Long đạt 60,9%. Còn lại vùng Tây Nguyên đạt 96%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 93,9%. Trung du và miền núi phía Bắc đạt 80, 2%, Đồng bằng sông Hồng đạt 68%.

Cục Chăn nuôi cho biết, ngành đang tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thực hiện các giải pháp đồng bộ cho việc phòng chống dịch. Đồng thời, vẫn tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học, duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng.

Giá lợn thịt trong 1 tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm từ 15.000 – 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Cụ thể, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 80.000 – 83.000 đồng/kg; khu vực Đông Nam Bộ từ 79.000 – 82.000 đồng/kg; khu vực Miền Trung từ 77.000 – 79.000 đồng/kg.

Khu vực Miền Bắc từ 80.000 – 83.000 đồng/kg; giá lợn hơi ở Thái Lan khoảng 70.000 đồng/kg, về đến Việt Nam từ 80.000 – 83.000 đồng/kg; giá lợn hơi xuất chuồng của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam ở Miền Bắc là 80.000 đồng/kg, Miền Nam là 80.5000 đồng/kg và bán móc hàm 115.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi, nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi.

Đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).

Theo TTXVN